Đây là hoạt động nhằm triển khai toàn diện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, công chức, viên chức, các đồng chí làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bác sĩ Nguyễn Công Sinh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, cho biết, những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, mưa lớn, mưa đá, dông lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đã gây thiệt hại rất lớn về người, và tài sản của nhân dân, đặc biệt là đợt mưa lũ sau bão năm 2017, 2018 đã để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh Tây Bắc, miền Trung và Nam Trung Bộ. Trong năm 2019, chỉ 5 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 18 người chết và mất tích, 6 người bị thương và thiệt hại lớn về hoa màu, tài sản của nhân dân.
Bão số 2 gây sóng lớn tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, những tháng cuối năm 2019, tình hình thiên tai diễn ra phức tạp; bão lũ có khả năng hoạt động muộn hơn hằng năm. Hiện tượng thời tiết cực đoan có thể gây thiệt hại rất lớn về người, cơ sở y tế và tài sản nhân dân. Lũ quét có nguy cơ cao xảy ra ở khu vực vùng núi đặc biệt là vùng Tây Bắc; Nam Bộ ít có khả năng lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long; hiện tượng dông lốc có thể xảy ra ở nhiều nơi, khó dự đoán trước. Để chuẩn bị các biện pháp phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế phải chủ động công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai một cách tích cực để giảm thiểu thiệt hại.
Thông qua lớp tập huấn, các học viên sẽ trang bị những kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao hiểu biết về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trang bị những kiến thức, kỹ thuật cơ bản cho cán bộ y tế trong xây dựng kế hoạch, phương án cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị người bị thương, bị nạn; tổ chức phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân trong các tình huống thiên tai thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; giảm tỷ lệ thấp nhất tổn thất về người và tài sản nhân dân...
Được biết, trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ngành y tế và sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các đội phòng chống dịch cơ động, dự trữ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất; sẵn sàng tổ chức cơ động phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Trong những năm qua, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để ứng phó có hiệu quả trong các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại tại các cơ sở y tế, kịp thời cứu chữa những nạn nhân, không để dịch bệnh lớn xảy ra sau thiên tai.