Điện Biên: Nâng cao chính sách an sinh xã hội, công tác bảo vệ cho trẻ em khuyết tật

04-11-2022 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác bảo vệ trẻ em khuyết tật luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên ưu tiên đặc biệt.

Lan tỏa hoạt động công tác xã hội ở vùng caoLan tỏa hoạt động công tác xã hội ở vùng cao

SKĐS - Hoạt động tuyên truyền, vận động ủng hộ với tinh thần tương thân tương ái trong công tác xã hội ở tỉnh vùng cao Lào Cai đang ngày càng được phát huy.

Trong suốt hành trình về với xứ sở "Mường Trời", chị Nguyễn Lan (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên) liên tục nhắc đến hai từ "tuổi thơ". Tuổi thơ của mọi người như một ống kính vạn hoa, có người gọi đó là tháng năm rực rỡ, thanh xuân đẹp đẽ. Nhưng một số người khác lại không có tuổi thơ hồn nhiên, vô tư như vậy, mà bao phủ trong nỗi buồn và sự cơ cực. Đó là những đứa trẻ khuyết tật, tuổi thơ của các em có những nỗi đau không gì bù đắp, có những thiếu thốn chẳng thể lấp đầy, với những đặc điểm không hoàn thiện trên cơ thể, trẻ khuyết tật từng ngày phải gồng mình lên để chống chọi với bệnh tật, với cuộc sống mưu sinh vất vả…

Khi đại dịch COVID-19 ập đến, người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những thách thức về vấn đề việc làm và kinh tế. Theo lời kể của bà Sùng A D, ở bản San Súi, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, bà rất khổ tâm, vất vả khi cháu ngoại của mình không như bao đứa trẻ bình thường khác. Từ lúc mới sinh ra, khoảng 1 tháng sau đó cháu bị bại não. Trong mười một năm qua, mọi sinh hoạt của cháu đều được người thân chăm sóc vì cháu không tự chăm sóc bản thân mình được…

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em khuyết tật ở Điện Biên - Ảnh 2.

Các bác sĩ thăm khám cho các em nhỏ bị khuyết tật.

Một số liệu thống kê gần nhất cho thấy, trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện vẫn còn trên 2.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có 320 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ; gần 400 trẻ em không nơi nương tựa; 134 em bị nhiễm HIV/AIDS, gần 1.700 trẻ em bị khuyết tật, tàn tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam đang rất cần sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng.

Để bảo vệ, chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cùng với nguồn ngân sách của nhà nước và của tỉnh, hàng năm Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Điện Biên đã tích cực kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Nhờ sự chung sức của cả cộng đồng, đã có hàng nghìn trẻ em được hỗ trợ học tập, được chăm sóc sức khỏe...

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em khuyết tật ở Điện Biên - Ảnh 3.

Trung tâm HTPTGDHN tỉnh Điện Biên được thành lập để phát hiện, đánh giá khuyết tật, can thiệp giáo dục sớm cho trẻ khuyết tật.

Ngoài ra, một số địa phương tổ chức nhiều hoạt động miễn phí cho trẻ em khuyết tật; mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ trẻ em khuyết tật cho cán bộ, cộng tác viên vùng sâu, vùng xa; can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Nhờ các công tác vận động, từ năm 2021 đến nay, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Điện Biên đã nhận được trên 650 triệu đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ trẻ em như: Trao 1.665 suất quà; 4.713 bộ quần áo trẻ em; gần 200 kiện sữa, 165 kiện mì, 1.400 cuốn sách, 27 quạt cây, gần 1.000 lọ nước sát khuẩn và hơn 200 đôi giày, dép.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên Mai Hoàng Hà chia sẻ: "Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trẻ em trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được quan tâm, chăm sóc, nhất là những trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được quan tâm kịp thời. Ngoài thực hiện đúng, đủ, kịp thời những chế độ, chính sách của Nhà nước; cấp ủy, chính quyền đã huy động mọi nguồn lực tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em".

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em khuyết tật ở Điện Biên - Ảnh 4.

Nhiều trẻ khuyết tật đã được tạo điều kiện thuận lợi để hòa nhập cộng đồng, phát triển các kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với chức năng: Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng; cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.

Với các chính sách quan tâm đặc biệt, cùng sự tích cực vận động, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên các trường, những năm gần đây, trẻ khuyết tật cùng gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã dần gỡ bỏ rào cản mặc cảm và cho con em đến trường để các em có thêm niềm vui, bớt tự ti và được tiếp cận tri thức.


Thảo Phượng
Ý kiến của bạn