Hà Nội

Nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS tại Việt Nam

01-11-2024 18:24 | Y tế
google news

SKĐS - Trong 3 ngày từ 31/10 đến ngày 02/11/2024, Hội Truyền nhiễm Việt Nam và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS (The National Scientific Conference on Infectious Diseases and HIV/AIDS).

Tham gia hội nghị có gần 700 đại biểu trong nước và quốc tế là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ từ nhiều bệnh viện trong và ngoài nước, các tổ chức nghiên cứu y học và các trường Đại học y dược.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn manh: “Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2024 là một sự kiện quan trọng được tổ chức thường niên, tạo ra cơ hội quý báu cho các nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ y tế trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nói riêng, các bệnh lý nội, ngoại khoa nói chung. Đây không chỉ là nơi hội tụ trí tuệ và tài năng y học, mà còn là diễn đàn để cùng nhìn nhận, đánh giá thách thức và cơ hội trong phòng chống bệnh truyền nhiễm".

"Thông qua hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS lần này, chúng ta sẽ có những trao đổi sâu sắc, bổ ích, và cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả để nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam…” - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.

Nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS tại Việt Nam- Ảnh 1.

TS Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS cho biết: "WHO tự hào đã hợp tác cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong nhiều năm qua để giảm thiểu tác động của các dịch bệnh truyền nhiễm như SARS, COVID-19, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi và mpox (đậu mùa khỉ). Chúng tôi rất mong quan hệ đối tác giữa hai bên sẽ ngày càng bền chặt vì một Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn”.

Nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS tại Việt Nam- Ảnh 2.

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Phiên toàn thể của hội nghị đã diễn ra sau phiên khai mạc đã có 06 bài trình bày của các báo cáo viên khách mời từ Tổ chức Y tế Thế giới, Đại học Sydney Việt Nam, Đại học Sydney của Úc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Tại Phiên toàn thể, ThS.BS CKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trình bày bài báo cáo về: “Xu hướng và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam”. 

Ngoài ra còn có các báo cáo khác: Cập nhật toàn cầu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi gây đe dọa tới an ninh y tế và khung chiến lược hành động An ninh Y tế của Châu Á – Thái Bình Dương; Cập nhật về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao trên thế giới và Việt Nam; Nghiên cứu tình hình nấm phổi trên thế giới; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong xét nghiệm; Vắc xin phòng ngừa phế cầu trên các đối tượng bệnh nhân đặc biệt...

Trong thời gian diễn ra, còn có 13 phiên chuyên đề với các lĩnh vực như:

  • Bệnh do virus, vi khuẩn không điển hình.
  • Bệnh truyền nhiễm trẻ em.
  • Cập nhật các nghiên cứu của OUCRU.
  • Vi khuẩn và kháng kháng sinh.
  • Bệnh do nấm và ký sinh trùng.
  • Nội khoa trong truyền nhiễm.
  • Nội soi tiêu hóa và thăm dò chức năng.
  • Chăm sóc điều dưỡng.
  • Viêm gan virus.
  • Báo cáo của Bộ môn truyền nhiễm Trường ĐH Y HN.
  • HIV/AIDS.
  • Ngoại khoa trong truyền nhiễm.
  • Các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm.

Phiên bế mạc kết thúc hội nghị với 03 báo cáo tổng kết chương trình gồm bài báo cáo về “Góc nhìn lâm sàng - Gánh nặng sốt xuất huyết Dengue hiện nay” của GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam nêu lên những gánh nặng trong điều trị Sốt xuất huyết Dengue hiện nay. Tiếp theo đó là bài báo cáo “Vắc xin - Giải pháp mới dự phòng sốt xuất huyết Dengue” của PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phần nào đưa ra giải pháp cần thiết trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang trở thành gánh nặng cho ngành y tế hiện nay. 

Kết thúc hội nghị là báo cáo tổng kết về “Kết quả nghiên cứu Mạng lưới giám sát kháng kháng sinh định hướng lâm sàng - Giai đoạn 2 (33HNB- ACORN 2) được GS Rogier Van Doorn, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford, Hà Nội báo cáo.

Nâng cao công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS tại Việt Nam- Ảnh 3.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, Hội Truyền nhiễm Việt Nam còn trao tặng giấy khen đến các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành truyền nhiễm.

Hội nghị đã nhận được 136 bài báo cáo, trong đó có 113 báo cáo được trình bày tại Hội nghị và 13 báo cáo dán bảng (Posters). Bên cạnh đó, nhằm mục đích cập nhật kiến thức y khoa về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS cho các bác sĩ, điều dưỡng thuộc chuyên ngành truyền nhiễm và các chuyên ngành liên quan, chiều ngày 30/10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức các khóa Đào tạo liên tục (CME) với những chuyên đề nổi bật gồm:

  • Cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm gan virus B ở trẻ em.
  • Cập nhận chẩn đoán và điều trị viêm gan.
  • Cập nhật điều trị nhiễm khuẩn đa kháng trong hồi sức.
  • Tập huấn nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh mắc viêm gan virus.

Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS là một sự kiện khoa học quan trọng không chỉ đối với ngành truyền nhiễm mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học y học, phát triển các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt, hội nghị là cơ hội để các nghiên cứu viên trẻ trong nước có cơ hội giao lưu và trao đổi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực tế khác.

Chiến dịch Unitour, nâng cao kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại họcChiến dịch Unitour, nâng cao kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại học

SKĐS - Hiện nay, chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang có nhiều hoạt động sáng tạo. Điển hình là chiến dịch Unitour cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; đồng thời kết nối các bạn sinh viên với những dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS.


Dương Hải
Ý kiến của bạn
Tags: