Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ góc nhìn của ĐBQH về đào tạo y khoa

31-10-2023 19:41 | Thời sự

SKĐS - Tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Khánh Thu đã chia sẻ những trăn trở của mình về việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân cả nước.

Chất lượng đào tạo quyết định tay nghề bác sĩ

Tại phiên thảo luận về KT-XH chiều 31/10, ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi nước ta cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đại biểu cho biết, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra, 2/4 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế được giao theo Nghị quyết 16 của Quốc hội đã cơ bản thực hiện vượt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu số bác sĩ từ năm 2022 đạt 11,1 bác sĩ/vạn dân và đến năm 2023 ước đạt 12 bác sĩ/vạn dân. Kết quả này đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 20 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương là đến năm 2025 đạt 10 bác sĩ/vạn dân, cũng đạt chỉ tiêu năm 2023 là 12 bác sĩ/vạn dân được giao tại Nghị quyết 16 của Quốc hội về phát triển KT-XH.

Theo nữ đại biểu tỉnh Thái Bình, đây là kết quả đáng mừng nhưng nhìn về lâu dài, việc đạt được các chỉ tiêu một cách bền vững không hề dễ dàng. Đại biểu phân tích, tại Nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia đề ra đến năm 2030 đạt 19 bác sĩ/vạn dân. Để đào tạo được 1 bác sĩ có thể hành nghề được theo quy định hiện nay phải mất tối thiểu 7,5 năm; để một bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị tuyến tỉnh cũng phải mất gần 10 năm. Đây thực sự là một thách thức lớn với ngành y tế.

'Nếu không làm chặt, thẩm định chất lượng đào tạo bác sĩ sẽ không công bằng với sức khỏe nhân dân' - Ảnh 1.

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, những những năm gần đây, một số trường đa ngành không chuyên về đào tạo sức khỏe cũng đã và đang có xu hướng "lấn sân" mở mã ngành đào tạo lĩnh vực đặc thù này. Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội trong bức tranh thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ. Đại biểu dẫn chứng, hiện cả nước có 32 cơ sở được phép đào tạo bác sĩ y khoa, số bác sĩ tốt nghiệp năm 2020 là 12.254, dự kiến đến năm 2025 sẽ đào tạo được 60.900. Đại biểu bày tỏ lo ngại khi số nhân lực có thể đáp ứng về số lượng, nhưng phân bố chưa hợp lý, đặc biệt vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, hải đảo.

Một trong những điều khiến nữ đại biểu băn khoăn đó là do đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo không đồng bộ, điều kiện về giảng viên, cơ sở thực hành… Đặc biệt điểm chuẩn đầu vào của các trường đại học y truyền thống luôn ở tốp cao, nhưng cũng có trường điểm chuẩn vào chỉ bằng điểm sàn. Đại biểu nhấn mạnh, nhân lực y tế có vai trò quyết định thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thì nhân viên y tế, bác sĩ có chất lượng chuyên môn tốt sẽ giúp nâng cao công tác khám, chữa bệnh. Ngược lại, nếu chất lượng nhân viên y tế thấp sẽ tăng tỷ lệ sai sót, sự cố y khoa và giảm chất lượng.

Kiểm tra, giám sát hằng năm về năng lực đào tạo ngành y, dược

Từ trăn trở trên, bà Trần Khánh Thu nhấn mạnh, nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực và bảo đảm tính công bằng trong đào tạo, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đã quy định: "Giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh" là chủ trương đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế".

Tuy nhiên, hiện nay các trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ, các bệnh viện thực hành lâm sàng cũng hoạt động tự chủ, dẫn đến việc các sinh viên y khoa sẽ chịu gánh nặng học phí kép, đó là học phí trong 6 năm học đại học và đến khi ra trường tham gia thực hành lâm sàng 18 tháng tại các bệnh viện tiếp tục phải chi trả kinh phí học thực hành.

'Nếu không làm chặt, thẩm định chất lượng đào tạo bác sĩ sẽ không công bằng với sức khỏe nhân dân' - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận KT-XH chiều 31/10.

Đại biểu cho biết, ngày 25/10/2023 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trong tình hình mới. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được chỉ ra trong chỉ thị là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng cơ cấu phù hợp. Đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ; có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng. Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu. Cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Có chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn, phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Cập nhật kiến thức y khoa liên tục và có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc và gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.

Từ cơ sở lý luận và nhu cầu thực tiễn, việc các trường mở rộng đào tạo, ngành đào tạo đặc biệt, ngành đào tạo sức khỏe là cần thiết lập vì sẽ bổ sung một số lượng lớn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, nếu không làm chặt ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, giám sát thì đương nhiên chất lượng đầu ra sẽ không có sự khác biệt về năng lực bác sĩ và sẽ có sự không công bằng với sức khỏe của nhân dân.

'Nếu không làm chặt, thẩm định chất lượng đào tạo bác sĩ sẽ không công bằng với sức khỏe nhân dân' - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận về KT-XH chiều 31/10.

Để hoàn thành được các mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, ĐBQH Trần Khánh Thu đưa ra một số kiến nghị:

Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn. Cần tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức thỏa đáng.

Thứ hai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực, phục vụ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn lực để hội đồng sớm triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực của cán bộ chính thức được thực hiện.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên học ngành bác sĩ y khoa trên cơ sở hỗ trợ học phí, với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của nhà nước. Như vậy vừa đảm bảo nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội đạt được nguyện vọng để trở thành bác sĩ. Đồng thời, giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học; cần phải có hệ thống giám sát, kiểm tra hằng năm về năng lực đào tạo của các trường có ngành đào tạo y, dược.

ĐBQH tranh luận chuyện "nghèo đi rất nhanh khi gia đình có người mắc bệnh nan y"ĐBQH tranh luận chuyện 'nghèo đi rất nhanh khi gia đình có người mắc bệnh nan y'

SKĐS - Theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh thì tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi"...


Lê Bảo
Ý kiến của bạn