Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số

19-12-2024 18:03 | Y tế
google news

SKĐS – Hiện nay, tại một số địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân về việc khám sức khỏe, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn hạn chế. Điều này khiến tỷ lệ trẻ sinh ra mắc các bệnh tật bẩm sinh còn cao.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc/tộc người, trừ dân tộc Kinh là đa số, 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, 53 dân tộc thiểu số có 14.118.232 người với gần 3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước). Trong đó, có 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người, 15 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, còn gọi là dân tộc thiểu số rất ít người.

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023.

Trong giai đoạn nói trên, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58% xuống còn 18,2%; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44% xuống còn 11,6%; đồng thời tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53% xuống còn 11%.

Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về công tác chăm sóc sức khỏe, nhất là sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em ở Kon Tum. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, đó là: Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có sự chênh lệch, cách biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các nhóm dân tộc.

Số liệu điều tra, thống kê cho thấy tình trạng tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần so với người Kinh. Tỷ lệ tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở khu vực miền núi vẫn cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung toàn quốc.

Đặc biệt, tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn là vấn đề nhức nhối.

Từng chia sẻ về vấn đề này, theo ThS.BS Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng Cơ cấu và Chất lượng dân số (Cục Dân số), tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy lớn đối với gia đình và xã hội.

Theo đó, đối với gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi. Những cặp kết hôn cận huyết thống dù khoẻ mạnh nhưng khi kết hôn cận huyết làm tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, từ đó, họ có thể sinh ra những đứa con bị dị dạng hoặc bệnh tật di truyền.

Điều này mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời mà nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo như: Bệnh mù màu (không phân biệt được màu xanh, màu đỏ); bệnh bạch tạng, da vẩy cá; bệnh tan máu bẩm sinh...

Do đó, các chuyên gia nhận định, để giảm thiểu tỷ lệ trẻ sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc nâng cao nhận thức của người dân, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh và việc làm vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, thực tế, tại một số vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Điều này khiến tỷ lệ trẻ sinh ra mắc các bệnh tật bẩm sinh cao, dẫn đến chi phí y tế điều trị cho các trẻ mắc dị tật và các chi phí trực tiếp và gián tiếp chăm sóc trẻ mắc bệnh tật bẩm sinh không được cải thiện. Kinh tế gia đình không phát triển, khoảng cách giàu – nghèo giữa với thành phố tăng lên...

Chính vì vậy, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể:

Tại Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em với mục tiêu là: Cải thiện sức khỏe người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng báo dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại tiểu Dự án 2 của Dự án 9: giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi với mục tiêu là:

Thứ nhất: Chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ hai: Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa – xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc, thiểu số và miền núi vào năm 2025.

Thứ ba: Giảm bình quân 2-3%/năm số cặp tảo hôn và 3-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Thứ tư: Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chăn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu sốĐẩy mạnh tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số

SKĐS – Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là một trong những giải pháp giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật góp phần nâng cao chất lượng dân số. Trong khi đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận.


Anh Khôi
Ý kiến của bạn