Phát huy hiệu quả đào tạo về bệnh đái tháo đường giai đoạn 2021-2023
Ngày 24/6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tiếp nối những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực nâng cao nhận thức về đái tháo đường và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cùng với sự đồng hành của Văn phòng Novo Nordisk tại Việt Nam, tiếp tục sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đào tạo y tế giai đoạn 2021-2023.
Những lĩnh vực hợp tác chính trong giai đoạn 2 năm tới bao gồm: Nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức cho các cán bộ y tế thông qua các khóa học trực tuyến; Nâng cao nhận thức và cách chăm sóc về bệnh đái tháo đường và bệnh không lây nhiễm cho người bệnh và cộng đồng thông qua trang web về đái tháo đường http://daithaoduong.kcb.vn và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin trong nâng cao chất lượng điều trị bệnh không lây nhiễm và đái tháo đường.
Chăm sóc cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Nội tiết TW
Trong gần 10 năm qua, từ 2012-2021, hợp tác này luôn có sự góp sức có giá trị của Đại sứ quán Đan Mạch, Văn phòng đại diện Novo Nordisk tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế trong lĩnh vực kiểm soát bệnh không lây nhiễm và tăng cường chăm sóc y tế ban đầu thông qua việc xây dựng năng lực và nghiên cứu.
Những thành tựu quan trọng trong giai đoạn 2012-2018: hàng triệu người được nâng cao nhận thức về bệnh đái tháo đường thông qua “Làng thay đổi bệnh đái tháo đường”, tờ rơi, tài liệu giáo dục bệnh nhân và các chiến dịch truyền thông; gần 2000 bác sĩ được nâng cao năng lực về chăm sóc bệnh đái tháo đường.Trang thông tin điện tử về đái tháo đường được ra mắt và là nền tảng để nâng cao nhận thức cho bệnh nhân và cán bộ y tế http://daithaoduong.kcb.vn.
Tiếp đó, giai đoạn 2018-2020: Ứng dụng Hành trình bệnh Đái tháo đường (Diabetes Journey) được Cục Quản lý Khám chữa bệnh phê duyệt là một công cụ hiệu quả cho các cán bộ y tế trong thực hành chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường.
Từ năm 2019-2021: chương trình giáo dục bệnh nhân trên nền tảng website đái tháo đường đã tiếp cận được 55.000 người. Các buổi tập huấn và cập nhật kiến thức về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường (với ứng dụng Hành trình bệnh đái tháo đường) đã được thực hiện với 80 giảng viên toàn quốc và 420 cán bộ tuyến y tế cơ sở.
Sẽ có khoảng 700 triệu người mắc đái tháo đường vào năm 2045
Đánh giá về hợp tác chiến lược này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế nhận định “ Hiện nay, cả nước và ngành y tế đang căng mình chống đại dịch COVID-19 với làn sóng thứ 4.
Chúng ta luôn biết rằng những người có nguy cơ cao trong đại dịch là những người có các bệnh lý nền như bệnh không lây nhiễm trong đó có đái tháo đường. Vì thế, nâng cao chăm sóc bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng. Những thành công trong hợp tác với Đại sứ quán Đan Mạch giai đoạn 2019-2021 và sự tiếp nối hợp tác giai đoạn 2021-2023 là minh chứng cho kết quả tốt đẹp của hợp tác công tư bền vững giữa Đan Mạch và Việt Nam.”
Ông Troels Jakobsen, Tham tán Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam chia sẻ: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam vui mừng nhận thấy mối quan hệ hợp tác về y tế giữa Đan Mạch và Việt Nam được tăng cường hơn nữa, và hy vọng rằng Biên bản ghi nhớ này cùng với sự hợp tác chiến lược ngành trong lĩnh vực y tế mới được ký kết gần đây sẽ là đóng góp quý báu cho người dân Việt Nam. Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch, và chúng tôi vui mừng ghi nhận sự hợp tác mới này vào hoạt động kỷ niệm của chúng tôi.
Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.