Mới đây, dư luận trong nước đặc biệt quan tới tới thông tin Ban quản lý thành cổ Yonago (Nhật Bản) cho biết một phiến đá tại di tích này bị vẽ bậy với các ký tự “A. HÀO” cùng hai hình ngôi sao và hình trái tim, gây hư hỏng một diện tích trên phiến đá cổ. Bởi từ những hình ảnh lan truyền trên các trang báo của Nhật Bản, nhiều người dân ở nước ta nhận định dòng chữ “A. HÀO” do một người Việt nào đó đã từng đến thành cổ Yonago cố ý khắc lên để “lưu danh”. Ban quản lý thành cổ Yonago đánh giá, tàn tích thành cổ này là một dấu ấn lịch sử Nhật Bản và cũng là một biểu tượng của chính thành phố. Việc viết, khắc chữ lên phiến đá khiến người dân xứ sở mặt trời mọc lên án gay gắt bởi đó là hành động phá hoại di sản. Hiện tại, các cơ quan chức năng liên quan tại Nhật Bản đang tích cực truy tìm đối tượng đã khắc chữ “A. HÀO” để xử lý theo Luật Bảo tồn Di sản văn hóa của nước này.
Hành vi trên xảy ra lần đầu ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam từ lâu được giới chuyên môn xem như “bệnh dịch”. Bởi nhiều di tích lịch sử - văn hóa như bia đá, tường... trải dài từ Bắc vào Nam bị người dân, đặc biệt là giới trẻ viết, vẽ, khắc bậy lên... Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới nhưng nhiều công trình kiến trúc, hiện vật, cổ vật tại đây đã bị du khách viết, vẽ bậy vô lối. Chuông cổ, nhà bia, mai rùa tại chùa Thiên Mụ chi chít chữ nguệch ngoạc của giới trẻ viết lên như “T yêu K”, “kỷ niệm tình yêu ở Thiên Mụ” hoặc nhiều dòng chữ nguyện cầu tình yêu. Trong khi đó tại di tích Văn Miếu (thị xã Hương Trà) đầy tính trang nghiêm, đề cao việc học, trọng hiền tài song nhiều năm qua cũng như hiện tại, những tấm bia và nhà bia nơi đây đã bị vẽ bậy, bôi bẩn không thương tiếc.
Một bạn trẻ “lưu danh” bằng cách viết tên lên tường di tích tháp Hòa Phong (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngay tại Hà Nội, nhiều di tích cũng bị nạn trên hoành hành. Không khó để nhận thấy các bức tường xung quanh Cột cờ Hà Nội - Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia nhiều năm qua chi chít các nét chữ là những ký tự đủ thể loại, có cả chữ Việt Nam lẫn chữ nước ngoài, thậm chí nhiều đoạn tường còn được khắc tên nham nhở. Tháp Hòa Phong - một di tích cổ còn sót lại của chùa Báo Ân ở Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm) cũng không thoát khỏi tình trạng viết, vẽ, khắc bậy bên trong và ngoài tường tháp. Khu vực chân tháp Bút (đền Ngọc Sơn), nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) dù có hàng rào bảo vệ và biển báo cấm xâm phạm nhưng nhiều người trẻ vô ý thức vẫn cố tình trèo qua hàng rào để khắc tên, thể hiện tình yêu của bản thân. Ở huyện ngoại thành Sóc Sơn, bức tường bao chân tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc ken đặc các dòng chữ là những lời tỏ tình, lưu danh, nguyện thề thủy chung son sắt của giới trẻ. Ngoài ra, ai đã từng đến thăm Thành nhà Mạc (Lạng Sơn) sẽ không khỏi xót xa khi một số người thiếu ý thức viết, vẽ bậy lên tường, tượng và khắc cả chữ lên thân cây. Di tích nhà tù Côn Đảo (Vũng Tàu) cũng loang lổ, biến dạng... bởi những nét vẽ, nét khắc và chữ ký của người trẻ. Di tích kiến trúc tháp Chăm - Tháp Đôi (Bình Định), danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) dù mang nhiều giá trị văn hóa song hiện nay cũng chung số phận với việc viết, vẽ, khắc bậy.
Rõ ràng viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử đang như “dịch bệnh” trong một bộ phận giới trẻ ở nước ta. Điều này không chỉ góp phần làm biến dạng di tích, thể hiện sự thiếu tôn trọng với lịch sử, truyền thống mà còn làm méo mó đi những giá trị văn hóa, nét đẹp của đất nước trong mắt du khách quốc tế. Do đó, để ngăn chặn, khống chế và xóa sổ “dịch bệnh” này, nhiều ý kiến cho rằng ngoài mức xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 3 triệu đồng theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa... thì cần thiết hơn cả là nâng cao nhận thức của người dân.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh các giải pháp về giáo dục và tuyên truyền một cách mạnh mẽ, thiết thực hơn tới giới trẻ. Việc này phải được đưa vào trường học để giáo dục thế hệ trẻ từ khi các em còn nhỏ. Một khi ý thức bảo vệ di tích đã ngấm vào máu sẽ góp phần hạn chế “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” thời gian qua, đồng thời không để các di tích lịch sử bị xâm hại, phá hoại như đã từng. Hoặc cứng rắn hơn như quan điểm của ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Nếu đã được tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo mà phát hiện tái phạm sẽ cấm không cho vào di tích.