Nếu không tỉnh táo trước những thông tin “bóp méo” trên mạng xã hội, nó sẽ làm giảm nỗ lực trong phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị đã đạt được trong thời gian qua.
Làm ảnh hưởng đến công tác điều trị của ngành y tế
Không thể phủ nhận ảnh hưởng lớn của mạng xã hội. Nhưng giữa bạt ngàn thông tin, mạng xã hội ngày càng bị lợi dụng để phát tán những thông tin xấu, độc, thiếu kiểm chứng, lôi kéo đông đảo người tham gia bởi sự tò mò. Nếu COVID-19 hủy hoại sức khỏe thể chất của người nhiễm, thì “fake news” (thông tin sai sự thật, không kiểm chứng) đang hủy hoại sức khỏe tinh thần của nhân loại, kể cả những người không bị nhiễm virus.
Người dân cần tỉnh táo và tránh nóng vội chia sẻ những thông tin mang tính chất gây sốc trên mạng xã hội.
Thực tế thời gian qua, mạng xã hội lan truyền nhiều bài thuốc uống để chống virus; biệt dược chống virus SARS-CoV-2; đeo thẻ chống virus... đã khiến dư luận chao đảo giữa thật và ảo... Hoặc vì mục đích tư lợi, không ít người đã lợi dụng COVID-19 để phát tán những thông tin thiếu chính xác gây hoang mang dư luận để người dân đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay, rồi việc hỗn loạn tranh cướp để mua mì tôm, thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh... nhằm tích trữ phòng dịch COVID-19 xảy ra cách đây ít lâu.
Nguy hiểm nhất là những phân tích chưa được khoa học kiểm chứng, như việc virus SACR-CoV-2 có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, nhiều người truyền tai nhau nên súc họng bằng chất lỏng nóng... Hiệu quả của cách làm này chưa thấy đâu thì đã thấy bệnh nhân bị bỏng miệng và bỏng da vì phơi người dưới cái nóng mặt trời...
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều cá nhân đã lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 để đăng những thông tin sai sự thật, câu like, câu view. Hành vi này gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang trong người dân và khiến công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý triệt để, nghiêm minh, đừng để phát tán các thông tin thất thiệt, làm ảnh hưởng đến công tác điều trị của ngành y tế.
Cần hết sức tỉnh táo
Rõ ràng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống, không hoang mang, lo lắng thái quá.
Trước diễn biến tin giả về COVID-19 ngày càng phức tạp, một số địa phương đã thí điểm diễn tập cách phân biệt tin giả với học sinh. Trong khi đó, trên mạng xã hội, các thành viên ở các hội nhóm vẫn đang ngày đêm lọc những thông tin không chính xác, mang tính chất lừa gạt tinh vi để giúp cộng đồng mạng có góc nhìn và hiểu biết đúng đắn về tình hình dịch bệnh.
Cũng trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã xử lý nghiêm đối với những thông tin lan truyền thất thiệt trên facebook, đã có nhiều trường hợp bị xử phạt và bắt gỡ thông tin đăng tải và cam kết không tái phạm.
Ngoài ra, bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.