Hà Nội

Nạn tảo hôn ở Lào Cai khi nào chấm dứt? (Kỳ 2)

03-05-2022 09:20 | Xã hội

SKĐS - Chưa khi nào điểm nóng tảo hôn Tả Giàng Phình (huyện Sapa, Lào Cai) được hệ thống chính quyền quan tâm như hiện nay. Các cuộc vận động, tuyên truyền, thuyết phục đến người dân liên tục được thực hiện. Chính quyền đoàn thể sẵn sàng tổ chức những cuộc giải cứu “cô dâu” trước sự phản kháng của gia đình.

Nạn tảo hôn ở Lào Cai khi nào chấm dứt?Nạn tảo hôn ở Lào Cai khi nào chấm dứt?

SKĐS - Trong chuyến công tác Lào Cai mới đây, chúng tôi đã được chứng kiến những câu chuyện đau lòng về những em học sinh, những em bé gái đang ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đã "vội vã" lấy chồng rồi... làm mẹ!

Kỳ 2: Giải cứu cô dâu (tiếp theo và hết)

Giữ tương lai cho các con sao khó quá!

Người dân ở xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai đã quá quen thuộc với âm thanh "cực đại" phát ra từ hệ thống phát thanh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình. 

Thầy giáo Hoàng Văn Tiến, Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình nói với chúng tôi, đây là công trình phục vụ công tác chống tảo hôn mà các thầy cô tự hào nhất. 

Thầy Tiến kể: "Chúng tôi đã quyết định lắp hệ thống loa nén thật lớn ở trường, tuy nhiên kinh phí không có nên hệ thống loa đều được các thầy, cô đi xin. 6 chiếc loa nén quay về các hướng, đến giờ nghỉ của các học sinh là cho phát các bài tuyên truyền về tảo hôn. Ban đầu nhiều người dân còn phản ứng nhưng rồi vẫn phải quen".

Kỳ 2: Giải cứu cô dâu (tiếp theo và hết) - Ảnh 2.

Thầy, cô giáo đến động viên em Sùng Thị Sáo sau khi lấy chồng và sinh con.

Chống tảo hôn được xem như "cuộc chiến" ở Tả Giàng Phình. 100% dân số ở đây là đồng bào Mông nên việc tuyên truyền, vận động gặp vô vàn khó khăn. Do phong tục tập quán, hành lang pháp lý chưa có vì động chạm đến những vấn đề nhạy cảm như tôn giáo.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình đã thành lập tổ tuyên truyền, việc tuyên truyền được sân khấu hóa đưa vào các thôn, bản do thầy cô và học sinh biểu diễn. Nhiều thầy cô giáo ở Tả Giàng Phình nói với nhau rằng, ngoài việc dạy việc quan tâm nhiều hơn nữa đến tâm tư tình cảm của các em học sinh cũng rất quan trọng. 

Bằng kinh nghiệm của mình, hàng ngày các thầy, cô phải liên tục quan sát biểu hiện của học sinh cũng như những tâm tư của các em. Chỉ cần thấy các em có biểu hiện có cảm tình với nhau là giáo viên chủ nhiệm cũng lãnh đạo nhà trường phải đến tận nhà đề khuyên răn. Bám sát là thế nhưng vẫn có những trường hợp mà các thầy cô và chính quyền địa phương vẫn phải... bó tay.

Có những lần khi thầy cô của trường xuống gia đình khuyên ngăn thì "ván đã đóng thuyền", hai họ đã tổ chức lễ cưới tưng bừng. 

"Những lúc như vậy chúng tôi thực sự sốc, thật sự đau lòng. Cứ nghĩ học sinh của mình còn non nớt, mới chỉ hơn 13 tuổi thôi mà đã phải đi làm dâu, làm vợ rồi sinh con. Các em có quyền được đến trường, được vui chơi và phấn đấu cho tương lai của mình chứ!" – thầy Tiến buồn buồn nói.

Một lý do khiến cho việc ngăn cản tảo hôn ở Tả Giàng Phình khó khăn là khi đến tuổi dậy thì, các em bén hơi nhau thì chỉ muốn được về với nhau. Đặc biệt hơn, là bố mẹ không được quyền can thiệp vào đời sống riêng tư của con cái. 

"Nếu như con đi qua đêm bố mẹ cũng không được phản ứng gì, con chỉ cần giới thiệu muốn lấy người này, người kia thì bố mẹ cũng phải theo. Đó là tập tục lâu đời của người Mông rồi. Hơn nữa với người Mông, khi đã yêu ai đó là muốn người đó chắc chắn phải là của mình. Tư tưởng chiếm hữu của họ rất cao, họ không chấp nhận rủi ro, cứ bén hơi là muốn người kia làm vợ, làm chồng của mình" – thầy Tiến nói.

Sẵn sàng giải cứu tảo hôn

Chị Sùng Thị Song (Chi hội phụ nữ thôn Lao Bản, xã Tả Giàng Phình) đã hơn 10 năm làm trong Ban phụ nữ của thôn, chị không thể nhớ nổi mình đã đi vận động không tảo hôn bao nhiêu lần. 

Kỳ 2: Giải cứu cô dâu (tiếp theo và hết) - Ảnh 3.

Nỗi buồn của những người mẹ còn quá trẻ

Có những gia đình chị và mọi người trong chi hội dùng biện pháp "mưa dầm thấm lâu" rồi cũng nghe, nhưng cũng có gia đình phản đối ra mặt. Khi cơ quan đoàn thể đến để can ngăn gia đình không tiếp, thậm chí còn đuổi về. Họ bảo: "Con của tôi, tôi muốn gả cho ai thì gả, muốn gả lúc nào thì gả, mọi người không có quyền can thiệp".

Gần đây nhất, chị Song cùng với ban giám hiệu nhà trường đến một gia đình học sinh đang chuẩn bị bỏ học để lấy chồng ở thôn Suối Thầu 1, gia đình tránh mặt không tiếp. Họ đóng cửa nhà, gọi thế nào cũng không ra, dù đợi cả buổi nhưng gia đình của học sinh đó vẫn nhất định cố thủ.

Là giáo viên chủ nhiệm lâu năm, cô Nông Thị Thực (Trường Phổ thông dân tộc BT THCS Tả Giàng Phình) không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải thuyết phục học sinh đừng bỏ học lấy chồng. Có trường hợp cô thuyết phục được nhưng cũng có nhiều trường hợp cô Thực đành bất lực. 

Như trường hợp của Sùng Thị Sáo, học sinh lớp 7 của cô. "Đang học, Sáo có biểu hiện muốn nghỉ học lấy chồng, mình đã phải động viên, thuyết phục em rất nhiều lần. Thậm chí hằng ngày qua nhà đón em đến trường học để em bỏ ý định lấy chồng. Vậy mà việc đón em đi học cũng chỉ kéo dài được thêm một thời gian rồi sau đó Sáo tìm cách trốn" - cô Thực kể lại.

Không đành lòng để học sinh của mình lấy chồng sớm, cô Thực đã không ngại vất vả đi lại tới vài chục lần để động viên Sáo cùng gia đình, thậm chí cô còn đến cả nhà người yêu của Sáo để thuyết phục. Hai bên gia đình cũng đã cam kết không để con tảo hôn. 

Thế nhưng họ cam kết chỉ để cô Thực yên tâm và không đến nữa. Hôm nghe tin gia đình Sáo đang tổ chức cưới cho em mà lòng cô đau thắt. Cô bảo: "Mình tiếc cho Sáo lắm, vì Sáo là học sinh có học lực rất tốt. Mình muốn em học hành đàng hoàng để tương lai sau này được khá hơn. Vậy mà em đã không nghe".

Năm 2020, toàn tỉnh Lào Cai ghi nhận gần 300 trường hợp tảo hôn (giảm gần 40 trường hợp so với năm 2019) và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình trạng tảo hôn có xu hướng gia tăng trở lại. 

Nguyên nhân chính, là do từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thời gian học sinh được nghỉ giãn cách xã hội kéo dài, dẫn đến việc cha mẹ và gia đình buông lỏng phối hợp với nhà trường trong quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức cho con. 

Bên cạnh đó, là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán để lại. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn sớm xuất phát từ nhu cầu cần người để làm việc, đây là yếu tố góp phần gia tăng tỷ lệ kết hôn sớm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai thông tin: Cơ bản người dân đã chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, kết hôn đúng và đủ tuổi. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm tra, đánh giá để sớm phát hiện, ngăn chặn vấn đề này tại một số địa phương vẫn còn. Khi phát hiện được thì chưa kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, dẫn đến có thời điểm tình trạng tảo hôn còn xảy ra.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tại những vùng này là nhiệm vụ khó khăn. 

Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình cần triển khai thường xuyên, liên tục. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện để ngăn chặn các hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Văn hóa truyền thống của người dân tộc cần được bảo tồn và phát huy

Nguyễn Quang Anh
Ý kiến của bạn