Kỳ 1: Lời ru buồn trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc, dù các cấp chính quyền luôn nỗ lực vào cuộc, tuyên truyền, vận động cùng những biện pháp mạnh mẽ, số ca tảo hôn dù đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại.
Thương các trò nhưng đành bất lực
Lâu nay người dân ở xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai luôn tự hào về mảnh đất đẹp như "cõi tiên" của mình, đó là một thung lũng được bao bọc bởi ngọn Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ.
Chúng tôi đến Tả Giàng Phình vào buổi sớm, mặt trời đâm thủng lớp mây mù, Ngũ Chỉ Sơn như bàn tay năm ngón mờ xanh hiện lên ngạo nghễ tận đỉnh trời. Đẹp là thế, thơ mộng là thế nhưng nơi đây vẫn canh cánh một nỗi buồn mang tên "tảo hôn".
Biết chúng tôi tìm hiểu về nạn tảo hôn, thầy giáo Hoàng Văn Tiến (Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình) không giấu được nỗi buồn.
Thầy Tiến lắc đầu: "Khó giải quyết lắm, tảo hôn như cái nếp ăn sâu vào ý thức người dân ở đây rồi. Bao nhiêu năm nay nhà trường và chính quyền địa phương dùng rất nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa giải quyết được".
Để mang được cái chữ tới các em nhỏ nơi đây, bao nỗi vất vả, thiếu thốn cũng không khuất phục được các thầy cô. Thế nhưng điều mà khiến thầy cô canh cánh nhất, xót xa nhất là việc học sinh của mình bỏ học để lập gia đình. Thầy Tiến bảo, các cháu còn quá nhỏ, vẫn đang tuổi ăn tuổi chơi bỗng dưng nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ. Thương các trò lắm, muốn nói cho các em hiểu nhưng bất lực.
Để chứng kiến cuộc sống sau khi kết hôn, thầy Tiến cùng cô Nông Thị Thực giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình đưa chúng tôi đến tận nhà các học sinh của mình.
Sau nhiều con dốc dựng đứng, những khúc cua tay áo, chúng tôi cũng đến được nhà em Sùng Thị Sáo. Nhà chồng Sáo lụp sụp nằm chon von trên mỏm núi, thấy người lạ Sáo vội dỗ dành đứa con mới 2 tháng tuổi rồi đặt vội vào thùng đựng hoa quả. Sáo bảo, con nhà cháu ngoan lắm, đặt vào đây vừa vặn, bé dễ ngủ hơn.
Có lẽ đây là trường hợp cô Thực tiếc nuối nhất bởi Sáo là học sinh giỏi của lớp. Dù cô Thực đã vào tận nhà khuyên không dưới 20 lần nhưng Sáo vẫn nhất quyết bỏ học đi lấy chồng. Nhìn cảnh cô học trò mới 15 tuổi, ôm đứa con nhỏ 2 tháng, cô Thực không cầm được nước mắt.
Lẽ ra, thời điểm này Sáo vẫn còn cùng chúng bạn đến trường, vẫn ấp ủ bao dự định cho tương lai. "Là cô giáo của cháu chứng kiến cảnh này thực sự tôi không cầm được nước mắt. Bao nhiêu lần đến khuyên can em ấy, rồi cả nhà chồng em ấy cũng không được. Giờ thì vùi đầu vào con cái, ruộng nương" – cô giáo Thực buồn buồn nói.
Nói đến chuyện lấy chồng, dường như Sáo đã nhận ra sai lầm của mình, em chỉ nói lí nhí tránh những ánh mắt của thầy cô. "Từ khi sinh con em ở nhà chăm em bé, chồng thì đi làm thuê cho người ta 10 ngày mới về một lần".
Hỏi Sáo có nhớ bạn, nhớ trường không? Có thấy hối tiếc vì bỏ học lấy chồng sớm không? Sáo đã không cầm được nước mắt nói với cô giáo: "Có ạ". Thế rồi hai cô trò lại sụt sùi chỉ biết an ủi, động viên nhau.
Qua nhà Giàng A Say, thấy chúng tôi, Say vội vã tháo địu trên lưng đưa đứa con nhỏ mới hơn một tuổi đang đói lả đặt vào ghế trong một quán ăn trưa ven đường. Say nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: "Trời nắng quá, em làm cố cho xong việc mới cho con đi ăn được. Hai mẹ con đi làm từ 5 giờ sáng, cháu đói quá ngủ thiếp đi đấy".
Say lấy chồng từ năm 16 tuổi, năm nay 19 tuổi nhưng đã một nách hai đứa con. Chồng đi làm xa, ba mẹ con ở nhà nương rẫy, rồi chăm sóc gia đình nhà chồng.
Ước mơ được trở lại trường
Chia tay người mẹ trẻ Sùng Thị Sáo, chúng tôi tìm đế nhà em Vừ A Diệp, sinh năm 2007. Đang học lớp 9, Diệp cũng bỏ học giữa chừng để theo chồng. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, dù được bố mẹ ra sức ngăn cản nhưng Diệp đều bỏ ngoài tai. Khác với Sáo, Diệp được bố mẹ động viên tiếp tục học hành, sau có bằng cấp học lấy cái nghề nuôi thân thì Diệp đã bỏ qua tất cả, đi theo cậu trai bản về làm dâu.
Khi đến nhà Diệp, thầy Tiến lặng lẽ đứng nhìn trò của mình từ xa, mới lấy chồng chưa đầy một năm nhưng Diệp đen, già đi trông thấy. Trời nắng như đổ lửa nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn phải trồng dưa, tăng gia sản xuất. Cuộc sống thiếu thốn, vất vả dường như Diệp bắt đầu thấm thía quyết định lấy chồng sớm của mình. Diệp rưng rưng: "Em thấy hối hận rồi, giờ có muốn quay lại học thì quá muộn rồi".
Chị Sùng Thị Song, chi hội phụ nữ thôn Lao Bản, xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai chia sẻ: "Nạn tảo hôn ở đây có từ rất lâu rồi, cũng là do phong tục tập quán của đồng bào người Mông. Họ quan niệm con cái là phải lấy vợ, lấy chồng sớm để có người lo việc đồng áng, nhà cửa. Việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Gần đây tình trạng này đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại dù chính quyền các cấp đồng lòng vào cuộc".
(Còn nữa...
Kỳ 2: Giải cứu cô dâu)
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?