Đây cũng là nội dung chính được đưa ra bàn luận tại hội thảo “Tham vấn tài liệu hướng dẫn đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ tâm thần sau thảm hoạ, sử dụng cho cán bộ y tế cơ sở và vận động chính sách hỗ trợ” diễn ra tại Hà Nội sáng nay, 21/10/2014. Hội thảo do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Trung tâm Phát triển Sức khoẻ bền vững (VietHealth) đồng tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.
Sau bão lụt, người dân rất cần hỗ trợ về kinh tế và sức khoẻ để tái thiết cuộc sống. (Ảnh: internet)
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số lượng thảm hoạ tự nhiên (thiên tai) và số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai cao nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 5-7 cơn bão, mưa lớn gây lũ lụt thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Hàng năm, thiên tai cũng cướp đi sinh mạng của 300-500 người và làm ảnh hưởng đến hàng triệu người khác. Cùng với thiên tai, các loại thảm hoạ khác như cháy nổ, sập công trình xây dựng, sập hầm lò, sập cầu, tai nạn giao thông, thương vong hàng loạt trong các sự kiện văn hoá - thể thao… cũng gây thiệt hại không nhỏ đến sức khoẻ và kinh tế của cộng đồng bị ảnh hưởng. Trong đó có cả những tác động về tâm lý xã hội và sức khoẻ tâm thần có thể xảy ra ngay sau thảm hoạ ở nhiều mức độ khác nhau, thậm chí kéo dài cả khi thảm hoạ kết thúc. Mà đối tượng dễ bị tổn thương nhất thường là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người nghèo…
Theo đánh giá của Ban soạn thảo tài liệu “Hướng dẫn đánh giá nhu cầu hỗ trợ tâm lý và sức khoẻ tâm thần sau thảm hoạ”, các biểu hiện ảnh hưởng tâm lý xã hội do thảm hoạ là rất phổ biến, đa số người có những biểu hiện rối loạn nhẹ và sẽ tự phục hồi hoàn toàn sau thảm hoạ một thời gian. Tuy nhiên khoảng dưới 10% số người có biểu hiện rối loạn tâm thần nặng hơn cần được hỗ trợ. Các biểu hiện rối loạn tâm thần có thể bao gồm: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi (lạm dụng thuốc, lạm dụng rượu), rối loạn stress sau sang chấn.
Theo một khảo sát đánh giá tác động tâm lý xã hội và sức khoẻ tâm thần sau bão lụt tại miền Trung Việt Nam do trường Đại học Y tế công cộng và VietHealth thực hiện từ 12/6 đến 30/9/2014 ở 4 xã thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy, tâm lý người dân bị tác động trước, trong và sau khi xảy ra bão nhưng rõ rệt nhất là ngay sau khi thiên tai xảy ra (tuần đầu tiên), kéo dài trong 2 tuần đầu, một số trường hợp cá biệt có thể kéo dài nhiều tháng. Trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người tàn tật, đặc biệt là người chịu trách nhiệm chính về kinh tế gia đình là những đối tượng bị ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất sau thiên tai với các biểu hiện như: sợ hãi, sốc lo lắng, trầm cảm, ám ảnh, mất ngủ…
Vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6 và 8, xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu đã ám ảnh người dân nơi đây suốt nhiều tháng liền. (Ảnh: internet)
Một khảo sát tương tự cũng được trường Đại học Y tế công cộng và VietHealth thực hiện sau thảm hoạ lật cầu treo tại bản Chu Va 6 và 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu ngày 24/2/2014 với 107 người có mặt tại hiện trường. Kết quả khảo sát cho thấy, tâm lý sợ hãi là biểu hiện rõ nhất của người dân, 25,2% có biểu hiện lo lắng rất nặng, 20,5% có biểu hiện trầm cảm nặng và rất nặng. Các biểu hiện tâm lý bị ảnh hưởng điển hình như: né tránh không dám đi qua cầu, ám ảnh bởi hình ảnh sập cầu, ngủ không ngon, hay mơ thấy người chết, người bị thương, trầm cảm, lo lắng về cuộc sống trong tương lai… Các biểu hiện này chỉ thực sự kết thúc sau thời gian xảy ra thảm hoạ 6 tháng.
Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất nhận định vấn đề hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ tâm thần cho cộng đồng chịu tác động ngay sau khi xảy ra thiên tai, thảm hoạ là một nhu cầu thực tế và cần được triển khai. Do đó, số tay hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở đánh giá nhu cầu và hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ tâm thần sau thảm hoạ đã được Ban soạn thảo xây dựng tỉ mỉ từ mục tiêu, quy trình đánh giá, nhận biết về tình huống và các cách tiếp cận để hỗ trợ tâm lý cho các nhóm đối tượng.
Cuốn sổ tay hiện đang trong quá trình hoàn thiện này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm nhẹ tác động tâm lý của người dân sau thảm hoạ, giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống và có khả năng ứng phó với nhiều tình huống và hoàn cảnh sống trong tương lai.
Minh Trí