Hà Nội

Nạn nhân da cam/dioxin cần được tiếp cận thêm với phục hồi chức năng

15-12-2016 17:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe và qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Trong đó, Dự án Tổ chức Phục hồi chức năng (PHCN) tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016 do Bộ Y tế, Trường đại học Y tế công cộng thực hiện đã giúp hàng vạn nạn nhân, người khuyết tật (NN/NKT), kể cả con cháu nạn nhân được phát hiện nhu cầu cần PHCN và được PHCN tại nhà; Cùng với đó, hàng nghìn cán bộ y tế chủ chốt tuyến tỉnh và huyện, trưởng trạm y tế xã, cán bộ y tế thôn bản được chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về phát hiện sớm - can thiệp sớm khuyết tật và PHCN cho các nạn nhân da cam/dioxin và con cháu của họ.

Những bước chân không mỏi...

Dự án Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2014 - 2016 là dự án nằm trong kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam và tiếp nối với giai đoạn 1 từ 2008-2013.

Trong suốt 3 năm từ 2014-2016, đã có hàng  ngàn cán bộ y tế, cán bộ y tế thôn bản đến từng gia đình nạn nhân da cam/dioxin và con cháu của họ để tiếp cận và đánh giá, phát hiện nhu cầu PHCN và đưa ra những liệu trình PHCN phù hợp cho từng đối tượng. Mặc dù dự án chỉ dừng lại 6 tỉnh là Lào Cai, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bến Tre, Đồng Nai, song đã có 50.000 NN/NKT, kể cả con cháu nạn nhân được phát hiện nhu cầu cần PHCN, trong đó khoảng 25.000 NN/NKT được PHCN tại nhà. Những nạn nhân này và gia đình thường xuyên được cán bộ y tế các cấp tư vấn về PHCN. Hồ sơ quản lý các nạn nhân được lập, thường xuyên được cập nhật và báo cáo lên tuyến huyện và tỉnh. Khoảng 600 trẻ khuyết tật là con cháu nạn nhân được khám và điều trị PHCN theo đúng nhu cầu tại các cơ sở y tế...

Phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam

Phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam. Ảnh: Vũ Yến

Bên cạnh đó, có gần 400 cán bộ y tế chủ chốt tuyến tỉnh và huyện, trưởng trạm y tế xã và hơn 2.000 cán bộ y tế thôn bản được chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về phát hiện sớm - can thiệp sớm và kỹ thuật về PHCN cho NN/NKT.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thủy, Đại học Y tế công cộng tham gia dự án từ những ngày đầu cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và PHCN của gia đình các nạn nhân, người khuyết tật rất lớn trong khi khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn khó khăn vì đa số các gia đình kinh tế rất khó khăn. Điều mong muốn nhất của các cán bộ thực hiện dự án là cải thiện tình trạng sức khỏe và qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ thông qua các biện pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và PHCN cho các nạn nhân da cam/dioxin và con cháu của họ.

Hơn 3 năm qua, đôi chân của các cán bộ y tế thôn bản đã bước tới hàng vạn lần đến với từng gia đình nạn nhân để hướng dẫn và tập PHCN cho NN/NKT. Họ chính là những người thắp lửa, động viên tinh thần và hỗ trợ hết lòng các NN/NKT kiên trì và bền bỉ trong hoạt động PHCN, góp phần nâng cao hơn chất lượng cuộc sống.

Cần tiếp tục mở rộng

PGS.TS. Hoàng Văn Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường, Trưởng ban Dự án cho biết, các hoạt động dự án nằm trong Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020 theo Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 3 năm triển khai đã đạt những mục tiêu đề ra là phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật sau sinh cho trẻ khuyết tật trong đó có nạn nhân; Chuyển giao kiến thức và kỹ thuật PHCN tại nhà cho nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật đồng thời cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và PHCN tại các cơ sở y tế cho nạn nhân có nhu cầu, đồng thời duy trì và phát triển mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc và PHCN cho NN/NKT cũng đã nhận được sự quan tâm phối hợp liên ngành, cả giáo dục, y tế và chính quyền địa phương. Theo đánh giá, dự án đã bảo đảm đúng tiến độ đề ra và bước đầu có một số thành công, tạo ra được các tiền đề để hiệu quả của dự án có tính bền vững.

Những việc làm trên của ngành y tế đã góp phần khắc phục hậu quả của chất độc hóa học/dioxin lên sức khỏe con người, giúp các nạn nhân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, giải quyết ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh đối với sức khỏe con người là vấn đề lớn, cần có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành và sự hợp tác quốc tế.


PV
Ý kiến của bạn