Hà Nội

Nạn khai thác cát bừa bãi ở Thanh Hóa: Không chống được thì... thỏa hiệp?

17-11-2009 11:07 | Thời sự
google news

Gần đây, thảo luận về Luật Thuế tài nguyên, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên rất bức xúc việc hiện nay các doanh nghiệp và người dân khai thác khoáng sản vô tội vạ, làm thất thoát lớn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế của Nhà nước.

Gần đây, thảo luận về Luật Thuế tài nguyên, nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên rất bức xúc việc hiện nay các doanh nghiệp và người dân khai thác khoáng sản vô tội vạ, làm thất thoát lớn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế của Nhà nước. Tại Thanh Hóa, cùng với việc “chảy máu” quặng sắt, quặng crôm, việc khai thác cát làm vật liệu xây dựng diễn ra rất phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội, đơn cử như ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Cấm vẫn như không

Có mặt tại xã Quảng Châu, Thanh Hóa vào trung tuần tháng 11/2009, chúng tôi chứng kiến hàng đoàn xe tải nối nhau đi, tung lên một lớp bụi đường bàng bạc như sương che khuất tầm nhìn. Người đi đường phải trùm khăn, đeo kính, bịt khẩu trang vẫn không hết bụi. Cây cối, nhà dân ven đê bị phủ một lớp bụi trắng, hết ngày này qua ngày khác, không ai dám mở cửa ra đường. Xe tải chở nặng cày thành rãnh sâu, đào ổ gà, ổ voi trên mặt đê. Đến cống Quảng Châu, bắt đầu vào đoạn đê Trung ương là bãi cát kinh doanh của ông Nguyễn Hữu Chiến. Cả bãi cát chiếm hơn nghìn mét vuông, đỉnh cao hơn mặt đê, lần lượt máy xúc múc cát đầy xe tải này quay đầu ra, có ngay xe khác tiến vào...
“Cát tặc” dưới biển cấm.
 
Hàng trăm tấn cát ẩm đè lên thân đê là nguy cơ rất lớn đe dọa an toàn đê. Đi xuống bãi sông khoảng 500m là bãi tập kết cát thứ 2, chủ nhân là ông Vũ Đình Nhuận. Ở cuối đoạn đê sông Mã giáp với cống Sông Đơ, lại gặp bãi kinh doanh cát của ông Hoàng Văn Muôn. Đây là bãi cát lớn nhất và có đoạn đường xe tải chạy trên đê dài nhất. Điều nguy hiểm mà cũng rất khó hiểu là ông Muôn tổ chức tập kết, kinh doanh cát ngay dưới tấm biển của cơ quan chức năng  “Cấm neo đậu tàu thuyền và tập kết vật liệu xây dựng”?! Dư luận cho rằng: các bãi tập kết cát trái phép đã vi phạm hành lang an toàn đê, kéo theo có rất nhiều xe tải chở cát chạy trên đê đe dọa an toàn đê khi mùa lũ về. Sau hai cơn bão số 9 và 11 vừa qua gây tổn thất lớn về người và thiệt hại tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên - đã phơi bày nguyên nhân quan trọng do “cạo trọc” rừng đầu nguồn và khai thác cát bừa bãi ở các dòng sông, khi lũ dữ ập về, dân trở tay không kịp. Thanh Hoá là tỉnh địa đầu Bắc miền Trung, dù may mắn ở ngoài tầm tàn phá của bão lũ, tuy nhiên nạn khai thác, lập bến bãi kinh doanh cát lậu cũng đã gây sạt lở đê, tỉnh Thanh Hóa phải khắc phục khá tốn kém. Tại sao chính quyền sở tại lại để cho nạn “cát tặc” hoành hành như ở chỗ không người?

Cho tồn tại để thu phí

Tại trụ sở UBND xã Quảng Châu, trao đổi với ông Lê Tiến Thông được biết: Đây là 3 bãi cát trái phép, hoạt động từ năm 2000, lúc đầu với quy mô nhỏ, để phục vụ nhu cầu xây dựng nhỏ lẻ của nhân dân. Hơn nữa, đây là các hộ nghèo, do nhu cầu cát xây dựng tăng lên, chủ yếu phục vụ cho khu du lịch Nam Sầm Sơn nên họ “tranh thủ” kinh doanh bãi cát để có thêm thu nhập. Ông Chủ tịch nói, hiện nay, hằng ngày có hàng trăm xe tải vào chở cát gây ô nhiễm và hư hỏng đường giao thông, đê điều. Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh đã kiểm tra, yêu cầu xã giải tỏa nhưng chỉ dẹp được một thời gian, bãi cát lại hoạt động trở lại. Quan điểm của xã là đằng nào cũng không dẹp nổi nên từ đầu năm 2009, xã đã quyết định thu phí của 3 bãi cát là 15 triệu đồng/năm để tu sửa đường. Cách làm trên của UBND xã Quảng Châu đã vô tình tiếp tay cho việc phạm luật và nhờn luật, khác nào “bật đèn xanh” cho các hộ kinh doanh bãi cát trái phép. Thực trạng hằng ngày có hàng trăm xe tải vào, ra các bãi cát, gây rất nhiều nguy cơ, hệ lụy cho xã hội, chính là có bàn tay của chính quyền xã góp vào?

Ngày 12/11/2009, làm việc với báo chí, ông Mai Sỹ Sơn, Phó trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chi cục đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản đối với các hộ vi phạm kinh doanh bãi cát trái phép, xâm phạm hành lang an toàn đê sông Mã. Chi cục đã yêu cầu chính quyền địa phương xử lý theo pháp luật.” Trao đổi với ông Vũ Khoa Việt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương, ông nói: “Tôi cũng được báo cáo của phòng chuyên môn về một số đơn vị đang tập kết cát ở xã Quảng Châu không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Nay lại có thông tin của các anh phản ánh, tôi sẽ mời lãnh đạo xã lên để chấn chỉnh và cho kiểm tra lại. Nếu doanh nghiệp nào có giấy phép thì địa phương sẽ tạo điều kiện giúp họ kinh doanh, nếu không có giấy phép, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý”.

Ngọc Diệp


Ý kiến của bạn