Hà Nội

Nan giải thu gom, xử lý và tái chế rác thải điện tử

28-11-2018 10:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Có lẽ không cần nói quá nhiều về những tác hại từ rác thải điện tử đến môi trường sống và sức khỏe con người.

Vấn đề giờ đây là hệ thống pháp luật về thu gom, xử lý, tái chế rác thải điện tử vẫn còn khá sơ sài, thiếu các chế tài mạnh, cụ thể. Hầu hết đều đang trông chờ những... “vựa đồng nát, sắt vụn” tư nhân vốn càng gây ô nhiễm, ý thức của các nhà sản xuất thì “chập chờn”, cũng đã có những nhóm cộng đồng với cách làm hay, hữu ích nhưng hiệu quả chưa cao...

Hành lang pháp lý khác xa thực tế

Rác thải điện tử gồm các vật dụng như tivi, máy in, máy fax, vi tính, điện thoại, iPad, camera, máy ảnh, pin cũ, dây điện, các thiết bị linh kiện rời rạc khác... chứa rất nhiều hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, đồng, nhôm, sắt, kẽm... Theo các chuyên gia môi trường, rác thải điện tử chứa các vật liệu độc hại có thể gây ung thư, bệnh đường hô hấp, tim mạch, thần kinh...

Hầu hết rác thải điện tử được thu mua từ các đại lý tự phát và gom về lọc lấy vật liệu quý.

Các nước phát triển như châu Âu, Nhật và Mỹ từ lâu đã có các quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý các rác điện tử. Đồng thời cũng quy định trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như: chì, thủy ngân, ca-đi-mi (Cd), crôm VI...

Tại Pháp đã áp dụng quy định về tái chế rác thải điện tử. Theo đó, mỗi sản phẩm điện tử bán ra đều phải ghi giá trị dành cho việc thu gom, xử lý và tái chế tùy từng loại sản phẩm. Tại Mỹ, một số hãng sản xuất như: Apple, Dell, Hewlett-Packard, IBM và Sony đã áp dụng chính sách thu hồi miễn phí hàng chính hãng đã qua sử dụng. Còn Nhật Bản đẩy mạnh tái sử dụng và tái chế thiết bị điện, điện tử đã bị thải loại. Người tiêu dùng phải trả phí tái chế tại nơi xử lý rác thải điện tử.

Trong khi đó tại Việt Nam, theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, từ 1/7/2016, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc-quy và pin các loại; một số thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt, săm, lốp các loại. Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện, điện tử thải bỏ như bóng đèn, các thiết bị máy văn phòng, điện thoại di động, máy tính bảng, đầu đĩa, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt.

Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia môi trường, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện, điện tử vẫn chưa được các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng liên quan quan tâm và thực hiện. Việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện chủ yếu bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, sửa chữa thiết bị hoặc các trung tâm, đại lý rác. Sau khi thu gom, rác điện tử được tháo dỡ tại các trung tâm lớn như: Tràng Minh (Hải Phòng), Bùi Dâu, Phan Bôi (Hưng Yên), Tề Lỗ (Vĩnh Phúc)... hoặc các cửa hàng tư nhân. Với hệ thống đó, Nhà nước khó kiểm soát dòng chất thải điện tử và nguồn rác thải không tập trung.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chuyên nghiệp về xử lý, tái chế thì không thiếu nhưng lại thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào “tử tế”. Vì họ sẵn sàng đầu tư công nghệ hiện đại nhưng nguyên liệu còn lại chỉ là những rác điện tử phế phẩm, đã bị các cơ sở thu gom “vặt hết vật liệu giá trị”. Để kích thích đầu tư, các cơ quan chức năng cần xây dựng những quy định buộc chủ xả thải phải cung cấp nguồn nguyên liệu khi chưa bị bóc tách những vật liệu quý bên trong.

Các nhóm hỗ trợ thu gom chưa đủ mạnh

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có dịch vụ thu gom pin, rác thải điện tử miễn phí, được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử nhằm bảo đảm quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, cũng có một số nhóm hoạt động môi trường tự nguyện. Điển hình như nhóm của chị Lê Hoàng Phương (công tác tại Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông - Vận tải) cùng các bạn tình nguyện thu gom pin và rác thải điện tử tận nhà dân, sau đó chuyển đến điểm tập kết do tổ chức Việt Nam tái chế (tổ chức do các nhà sản xuất thiết bị điện nhằm thể hiện trách nhiệm với các sản phẩm tới cuối vòng sử dụng) đặt tại Hà Nội, sau đó được đưa đến nhà máy (được cấp phép xử lý chất thải nguy hại). Lại có mô hình phân loại rác bằng smartphone như dự án MGreen. Hộ dân tham gia Dự án sẽ được cung cấp thẻ tích điểm điện tử, thùng đựng rác tái chế.Theo thỏa thuận, người dân được hướng dẫn cách nhận biết và phân loại rác tái chế vào thùng đựng. Đến khi đầy thùng, họ mở thẻ, nhấn nút gọi thông báo tới bên thu gom. Dựa trên lượng rác thải tái chế do bên thu gom sẽ xác định, cư dân sẽ được tích điểm thưởng vào thẻ hộ gia đình. Số điểm này được đổi thành quà qua ePoint - sử dụng khi mua sắm, ăn uống, giải trí. Đây chính là cách khuyến khích người dân chủ động phân loại rác.

Tuy vậy, các mô hình trên đều gặp nhiều khó khăn, phần vì nhân lực, phần vì nguồn vốn vận hành. Nhóm điều hành dự án đã phải vất vả, nhờ cậy khắp nơi mới có được một số thành quả ban đầu. Điều này cho thấy, việc thu gom, tái chế và xử lý rác thải điện tử cần sự chung sức từ nhiều nguồn, ngoài các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là sự quan tâm từ các cơ quan hữu quan của thành phố. Các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực không ít, song rất cần cơ chế mới có thể hoạt động hiệu quả.


Linh Chi
Ý kiến của bạn