Hà Nội

Nan giải chuyện học tiếng Việt ở Nga

25-03-2014 01:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Nan giải chuyện học tiếng Việt ở Nga

Tại Voronezh (Nga) hiện có khoảng 135 thanh thiếu nhi đang sống và sinh hoạt tại cộng đồng. Một nửa trong số đó là các cháu đang độ tuổi đến trường. Thế nhưng chuyện học tiếng Việt với những đứa trẻ này đang là một khó khăn, thách thức rất lớn. Làm sao để các cháu có thể sử dụng được ngôn ngữ mẹ đẻ là một việc rất khó khăn.

Khi tiếng Việt dần vắng

Bà con ta sang đây làm ăn từ những năm 80 của thế kỷ trước. Họ chủ yếu làm công nhân tại các xí nghiệp hóa chất, nhà máy xăm lốp tại khu vực Đất Đen của Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ tiếp tục bám trụ lại, chủ yếu mưu sinh bằng nghề buôn bán vải và các loại hàng hóa khác phục vụ cộng đồng người Việt và cả người Nga tại đây. Nói về chuyện học tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ hai ở nơi này, các bậc phụ huynh hầu hết đều rất lo lắng, băn khoăn.

Một buổi tập văn nghệ của trẻ em Việt trong khu chợ tại Voronezh.

Giao lưu với bạn bè trên sân khấu.

Anh Nguyễn Đình Thản (Hà Nội), có con gái đang học lớp 7 cho biết: “Gia đình vẫn rất quan tâm tới việc dạy tiếng Việt cho con. Hàng ngày, bất cứ khi nào rảnh rỗi là cả nhà lại bật chương trình VTV4 cho con nghe để hiểu các vấn đề thời sự xã hội trong nước. Tuy nhiên, việc dạy cho các cháu có thể biết đọc và biết viết thì cần có không gian trường lớp hay sự kèm cặp thường xuyên của các thầy cô, ở đây thì hiếm lắm!”. Bé Liên 12 tuổi cho biết, bố mẹ không có thời gian dạy tiếng Việt cho các cháu, nên các cháu không thể đọc và viết tiếng Việt được, bản thân cháu cũng chỉ có thể giao tiếp ở mức tàm tạm thôi. Hầu hết thời gian các cháu chỉ dùng tiếng Nga. Lúc ở trường, lúc đi chơi với các bạn, xem phim và nghe nhạc đều bằng tiếng Nga, chỉ khi nói chuyện với bố mẹ mới dùng tiếng Việt thôi.

Cha mẹ bôn ba nơi xứ người, các em được thừa hưởng văn minh tiến bộ của xã hội phương Tây. Tuy vậy, trẻ em Việt Nam lại gặp nhiều thiệt thòi, khi không được biết nhiều truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam, không rõ gốc gác, cội nguồn dân tộc với những trang sử hào hùng ở mọi thời đại. Với các em, Đại Nga, Pie đại đế hay Puskin gần gũi hơn so với Đại Việt, Quang Trung - Nguyễn Huệ hay Nguyễn Du.

Anh Nguyễn Duy Thương (Nam Định) có con học lớp 3 cũng bày tỏ nguyện vọng: “Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và cộng đồng tại Voronezh cần thường xuyên quan tâm hơn nữa tới công tác dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Bởi nếu các cháu không hiểu biết tiếng Việt, cộng đồng ta sau này sẽ “Âu hóa” mất”.

Giao lưu với bạn bè trên sân khấu.

Một buổi tập văn nghệ của trẻ em Việt trong khu chợ tại Voronezh.

Học tiếng Việt mọi nơi, mọi lúc

Hàng năm, Hội người Việt Nam và Đoàn - Hội sinh viên tại thành phố có tổ chức các chương trình văn nghệ như: Tết Nguyên Đán, Trung Thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, cho các cháu trong cộng đồng. Tuy nhiên, đó là những hoạt động chung, phong trào, giúp trẻ em Việt Nam tại đây hiểu thêm văn hóa dân tộc, hòa đồng gần gũi với mọi người trong cộng đồng. Còn việc tổ chức các hoạt động nhằm hướng dẫn, giảng dạy tiếng Việt cho các em hầu như chưa được để ý. Các hoạt động học tập tiếng Việt chưa được cộng đồng quan tâm sát sao. Có chăng chỉ một số bậc phụ huynh mời các bạn lưu học sinh về nhà dạy kèm cho các con tiếng Việt.

Trao đổi với BCH Hội người Việt Nam tại TP. Voronezh, ông Nguyễn Đình Điền - Ủy viên BCH Hội phụ trách mảng đời sống và văn hóa - thể thao cộng đồng cho biết: “Cộng đồng người Việt Nam tại Voronezh đang ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng. Thế hệ các cháu thiếu niên nhi đồng hiện nay rất được Hội chú ý quan tâm. Hội có chủ trương khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Do nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, an ninh nên việc xin lớp, lập trường học tiếng Việt tại địa bàn Voronezh hiện nay là chưa khả thi. Trong khi đó, một số mô hình mở trường lớp dạy học tiếng Việt tại Moscow khá hiệu quả. Nếu có sự đồng nhất trong động đồng, sự hỗ trợ và chỉ đạo nhất quán từ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội người Việt Nam tại Voronezh sẽ xem xét khả năng lập trường lớp dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi!”.

Hiện nay, định hướng ngắn hạn là Hội sẽ khuyến khích các bậc phụ huynh mời giáo viên dạy kèm về nhà hướng dẫn tiếng Việt cho các cháu. Tuy nhiên, có một số phụ huynh chưa chú ý tới việc này. Lý do có thể khác nhau, ví dụ như không có thời gian, vấn đề tài chính. Việc dạy tiếng Việt cho các cháu chủ yếu dựa vào lực lượng lưu học sinh. Nhưng thời gian học tập của các bạn sinh viên và các cháu thiếu nhi rất khác nhau nên việc tổ chức dạy học là rất khó khăn và không thường xuyên.

Ngoài trời, từng bông tuyết trắng nhẹ rơi, một màu trắng xóa trải đều từ cổng “chợ Việt” mãi tận khu rừng bạch dương đằng xa. Trong gian phòng nhỏ, phía cuối chợ, chúng tôi nghe thấy các em hát đoạn điệp khúc của bài “Ngày tết quê em” bằng tiếng Việt. Tiếng hát của mấy em thiếu nhi người Việt tại xứ Voronezh vang lên tuy ngọng nghịu nhưng ấm áp làm sao.                

Phong Vũ (Từ Voronezh - LB Nga)

 


Ý kiến của bạn