Thực trạng mua bán phụ nữ, trẻ em đang trở thành một vấn nạn đáng báo động tại Ðiện Biên, Lai Châu. Những kẻ trong đường dây tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và mang tính xuyên quốc gia. Trước sự gạ gẫm của kẻ xấu, nhiều phụ nữ cả tin, gặp nhiều trắc trở trong tình yêu, hôn nhân, gia đình dễ sa vào cạm bẫy buôn người đã giăng sẵn.
Muôn kiểu lừa lọc
Vượt quãng đường rừng gần 20 cây số, leo qua mấy quả đồi dốc trơn trượt, tôi được anh Chang A Tịnh - Công an huyện phụ trách địa bàn xã Sính Phình (Tủa Chùa, Điện Biên) đưa vào thôn Trại Trường để gặp cô gái người Mông Sùng Thị M. (SN 1993), người vừa được Bộ đội Biên phòng Lào Cai giải cứu từ Trung Quốc trở về. Ngôi nhà nhỏ của M. nằm chót vót trên đỉnh đồi, đi mon men những con đường mòn nhỏ, chúng tôi mới leo đến nhà cô. Trong căn nhà lá xập xệ chẳng có gì ngoài chiếc phản gỗ đơn chiếc để cả gia đình ngủ. Bà Giàng Thị Hơ - mẹ của em cho biết, từ ngày M. bị lừa bán sang Trung Quốc, gia đình báo chính quyền, công an xã nhưng không có kết quả. Trong nhà, không khí lúc nào cũng u ám vì thương con. Từ lúc M. trở về, trong nhà lúc nào cũng vang tiếng cười đùa. M sinh ra trong một gia đình có 13 người con, em chỉ học hết lớp 3 và nghỉ học.
Các cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần cảnh giác trước nạn buôn người.
M. đã từng lấy chồng và có 1 người con, nhưng vợ chồng hiện đã li hôn. Con M. sống với mẹ và bà ngoại. Đầu tháng 7/2015, một người đàn ông lạ tên Dũng thường xuyên gọi điện đến nói chuyện hàng đêm với em. Dũng bảo muốn lấy M. làm vợ và xin gia đình chở M. đi huyện Mường Tè chơi. Nhẹ dạ tin người, M. đi chơi cùng Dũng. Đến Mường Tè, Dũng bảo có việc gấp phải về quê và nhờ 1 người đàn ông khác đến đón M. đi cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu). Lên đến cửa khẩu, M. bị một người phụ nữ đem về nhốt để những người đàn ông Trung Quốc đến xem mặt nhằm mua về làm vợ.
M. kể, cô được một người đàn ông Trung Quốc khoảng 25 tuổi mua về nhà làm vợ. “Sang đó, nhớ mẹ, nhớ con là tôi lại khóc. Người ta không cho mình khóc, nếu khóc nhiều là bị đánh”, M. nói.
Nằm trong đợt giải cứu phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc ở xã Sính Phìn đợt này ngoài M. còn có Giàng Thị Dung (SN 1983). Dung cho biết, tháng 7/2015, có một đôi vợ chồng tìm đến gia đình chị thuê người đi làm rẫy ở Điện Biên với mức lương là 4 triệu đồng/tháng. Gia cảnh nghèo khó, chị xin chồng con đi làm thuê Tết mới về. Hai vợ chồng lạ chở Dung về Điện Biên và chở Dung lên cửa khẩu Lào Cai. “Linh tính không lành, tôi hỏi đi làm gì mà xa thế? Họ bảo giờ không đi làm nữa mà đi lấy chồng. Mình bảo không lấy chồng nữa đâu, có chồng con ở nhà rồi và khóc, nhưng họ chỉ cười mà không cho xuống xe”, Dung nói.
Lên biên giới, chị Dung bị bán cho một đôi vợ chồng khác ở Trung Quốc với giá 70 triệu đồng. Dung cho biết, sau đó cô được Công an Trung Quốc tạm giữ điều tra, từ những thông tin cô cung cấp, Công an và Bộ đội Biên phòng Trung Quốc phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã triệt phá thành công một đường dây buôn bán người sang Trung Quốc, ngoài Dung còn giải cứu thêm 9 phụ nữ khác nữa trong đó có 2 người dân tộc Dao ở Lào Cai, 5 người Thái và Mông ở Điện Biên, 2 người ở Hà Giang.
Mừng tủi ngày gặp mặt.
Bán cả vợ và em vợ
Tháng 7/2015, Phòng PC 45, Công an Điện Biên nhận được đơn trình báo của ông Tòng Văn Quân ở bản Nôm, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo về việc hai con gái Tòng Thị I. (23 tuổi) và Tòng Thị T. (17 tuổi) bị lừa bán sang Trung Quốc. Qua quá trình điều tra, lực lượng Công an Điện Biên xác định kẻ đưa hai cô gái sang Trung Quốc làm gái mại dâm chính là Tòng Văn Vinh - chồng của I. Theo lời khai của Vinh, tháng 4/2012, Vinh có quen một người tên Hưng. Hưng đã rủ Vinh tìm phụ nữ, trẻ em càng tốt để bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Mỗi người đem bán Vinh sẽ được chia 500 ngàn đồng và hàng tháng Vinh còn nhận thêm 1 triệu/người từ khoản bóc lột thân xác của các cô gái. Không tìm được “con mồi”, Vinh nghĩ đến cô em gái vợ là Tòng Thị T. vừa tròn 17 tuổi. Vinh dụ dỗ đưa T. sang bên kia biên giới bán giày dép, quần á, với mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Để T. tin tưởng, Vinh đưa cả người vợ mình đi cùng và sau đó bán cả hai chị em.
Được sự giúp đỡ của lực lượng Công an Trung Quốc và Bộ đội Biên phòng Lào Cai, Lò Thị I. và em gái Lò Thị T. được giải cứu khỏi ổ chứa và đưa về nước an toàn. Theo lời kể của I. và T., trong tuần đầu, do biết bị lừa, các cô chống cự và không tiếp khách nên thường xuyên bị đánh và bị bỏ đói nhiều lần phải nhập viện cấp cứu. Mỗi ngày bọn chủ chứa bắt các cô phải tiếp từ 20 - 40 lượt khách, đêm đến hầu như không được ngủ.
Khổ sở đủ bề khi lấy chồng Trung Quốc, vùng lên, tự giải thoát bản thân là câu chuyện của Hờ Thị D. (SN 1988) ở xã Sính Phình (Tủa Chùa, Điện Biên). D. được người yêu của mình rủ đi sang biên giới Trung Quốc mua quần áo, nhưng chính gã “Sở Khanh” đội lốt đã bán cô cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Sau khi bị bán sang Vân Nam (Trung Quốc), D. bị người đàn ông bằng tuổi cha chú mình đối xử tàn bạo như nô lệ tình dục, bắt phải làm nương ngày đêm. Chịu không nổi khổ cực, D. đã bỏ trốn chạy theo đường rừng, hướng về nước.
Giáp ranh với Điện Biên, tỉnh Lai Châu cũng là điểm nóng về buôn bán người. Ngoài những thủ đoạn lừa lọc các cô gái, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, nhiều đối tượng còn bày mưu, giăng bẫy tự mình bán mình sang Trung Quốc. Phòng PC 45, Công an tỉnh Lai Châu vừa khởi tố 2 đối tượng Hoàng Tuấn Cường và Nguyễn Thị Duyên về hành vi buôn bán người. Đầu tháng 4/2015, Cường quen với Duyên (quê ở Lào Cai) - một đầu mối buôn bán người. Duyên và Cường cùng phối hợp lập đường dây buôn bán người ở Lai Châu. Tháng 6/2015, Cường gặp cô gái trẻ tên Hoa (ở Phong Thổ, Lai Châu). Cường dụ dỗ Hoa tham gia đường dây buôn bán người của mình với một cách thức hoạt động mới và được Hoa đồng ý. Theo kế hoạch, Cường đã bán Hoa sang Trung Quốc cho một người đàn ông không lấy được vợ. Sau khi nhận được tiền, Cường và Duyên vạch ra đường để Hoa bỏ trốn về nước. Số tiền nhận được sẽ chia đều từng người. Phòng PC 45, Công an tỉnh Lai Châu đã vào cuộc xác minh điều tra và các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nạn nhân nhận dạng đối tượng bán mình.
Bà con hãy cảnh giác
Đó là lời cảnh báo của lực lượng chức năng. Bởi nhiều năm qua, chính gia đình các thiếu nữ, người dân vùng dân tộc thiểu số nhẹ dạ, mất cảnh giác. Theo Đại tá Lò Văn Pọm - Trưởng Công an huyện Tủa Chùa (Điện Biên) cho biết, Tủa Chùa là địa bàn vùng cao, dân tộc Mông chiếm đa số, không có đường giáp biên. Nhưng mấy năm gần đây, tình trạng phụ nữ, trẻ em rời khỏi địa bàn đáng báo động, qua thống kê, đến bây giờ, hơn 260 trường hợp rời khỏi địa bàn, nhiều người không có thông tin, ghi bị buôn bán sang Trung Quốc. Nhiều trường hợp về mới khai bị mua bán. Còn những trường hợp nghi bị mua bán, nhưng hoạt động mua bán lại diễn ra ở Trung Quốc nên việc điều tra làm rõ rất là khó. “Có nhiều đối tượng bây giờ thường xuyên lân la vào các bản xin số điện thoại các cô gái, sau đó về nhắn tin, gọi điện tán tỉnh qua điện thoại, facebook, zalo để dụ dỗ đi chơi cùng rồi lừa bán. Vấn đề này rất khó kiểm soát và điều tra. Chúng tôi đã tuyên truyền về các địa phương cảnh giác khi người lạ ở bản, không cho người lạ số điện thoại”, ông Pọm nói.
Đại tá Nguyễn Văn Hiện - Trưởng phòng PC45, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã có 127 vụ buôn bán người, 203 đối tượng, 214 nạn nhân (phụ nữ 144, trẻ em 70). Hiện trên toàn tỉnh có 940 phụ nữ, trẻ em vắng mặt khỏi địa bàn không rõ đi đâu, nghi bị sang biên giới lấy chồng Trung Quốc. Những cô gái được đối tượng buôn bán người hướng tới là các cô gái mới lớn và phụ nữ đã ly dị chồng; những cô gái có hoàn cảnh éo le, tiêu cực trong cuộc sống hoặc các cô gái ham chơi, lười lao động… “Các đối tượng mua, bán người thường dùng các chiêu trò như: tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn đưa về nhà giới thiệu để cưới làm vợ; Tặng quà chiếm lòng tin, rủ đi khu vực biên giới chơi, mua sắm; Cho đi nhờ xe dù không quen biết; Môi giới lao động, hứa hẹn công việc lương cao; Nhận làm con nuôi, hứa hẹn lấy chồng nước ngoài giàu có, sung sướng… Tất cả đều nhằm mục đích lừa bán các cô gái nhẹ dạ cả tin”, ông Hiện nói.