ThS.BS.CKII Trịnh Quốc Minh, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu -Thần kinh (BV Trưng Vương) cho biết, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu BV Trưng Vương TP.HCM trong tình trạng vật vã, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt. Vết thương dài 4 cm, hình chữ L, khoảng liên sườn số V cạnh bờ trái xương ức và một vết thương khác ở vai trái dài 2 cm.
Ngay khi tiếp nhận và khai thác bệnh, các bác sĩ cấp cứu sơ cứu vết thương, chỉ định chụp CTScanner ngực khẩn. Kết quả phát hiện dịch màng tim ít, dịch màng phổi trái lượng nhiều, khí màng phổi trái ít, các Bác sĩ xác định bệnh nhân bị thủng tim do vết thương thấu ngực.
Các bác sĩ BV Trưng Vương đã tiến hành phẫu thuật tim khẩn cấp, khâu lỗ thủng tâm thất cầm máu.
Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức đã được báo động đỏ để thực hiện ca phẫu thuật khẩn cấp. Êkip phẫu thuật tiến hành chẻ xương ức để mở ngực, ghi nhận màng ngoài tim rách 1,5cm, có khoảng 100 ml máu trong khoang màng tim.
Vết thương đi từ ngực, liên sườn V, cách bờ trái xương ức 4 cm, xuyên qua màng tim, thông với khoang màng phổi, đâm thủng tâm thất phải 1,5 cm đang chảy máu thành tia. Lượng máu trong khoang màng phổi khoảng 2000 ml và 500 gram máu cục.
Theo BS. Quốc Minh, êkip phẫu thuật khẩn trương khâu lỗ thủng tâm thất cầm máu. Thám sát ngực trái thấy đứt động mạch vú trong bên trái, thực hiện khâu cầm máu và dẫn lưu máu trong khoang màng phổi. Trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân vừa hồi sức tích cực, vừa truyền máu, truyền dịch để giữ vững huyết động với sự hỗ trợ tích cực của các Bác sĩ cấp cứu, hồi sức, gây mê…
Sau 1 giờ 15 phút êkip phẫu thuật, cấp cứu và hồi sức đã phẫu thuật thành công vết thương thủng tim cho bệnh nhân. Qua hơn một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, đã rút ống dẫn lưu khoang màng ngoài tim, khoang màng phổi trái và chuẩn bị xuất viện.
Phẫu thuật vết thương tim là phẫu thuật tối khẩn cấp, cần phối hợp nhiều chuyên khoa như cấp cứu, gây mê, hồi sức, ngoại tim mạch...
Đây là trường hợp vết thương thấu ngực gây thủng tim, tràn máu màng phổi và đứt động mạch vú trong bên trái. Thương tổn khá hiếm gặp, nhưng nhờ kinh nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đã phát hiện nhanh và xử lý thành công.
Theo các bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa lồng ngực, phần lớn vết thương thấu ngực thủng tim sẽ có biểu hiện chèn ép tim cấp, còn trường hợp này vết thương thấu ngực làm màng tim bị thủng thông với khoang màng phổi, máu từ vết thương tim chảy vào khoang màng phổi, nên không có triệu chứng làm chèn ép tim cấp, khiến lâm sàng làm ít nghĩ đến vết thương ngực có tổn thương tim.
Phẫu thuật vết thương tim là phẫu thuật tối khẩn cấp. Khi được phát hiện cần phẫu thuật khẩn cấp cùng với sự phối hợp với các chuyên khoa cấp cứu, gây mê, hồi sức tích cực mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân.