Hà Nội

Nằm viện giữa mùa dịch, cụ ông trăm tuổi vẫn lạc quan ngồi viết thơ tay

28-05-2021 10:00 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Trong tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp khiến người người, nhà nhà đều lo lắng thì câu chuyện của cụ ông 101 tuổi dù đang nằm viện điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, cầm bút sáng tác thơ dưới đây ... có lẽ là một thanh âm trong trẻo truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.

Những ai từng yêu thích hình ảnh một cụ ông trong ngày sinh nhật thứ 100 của mình đã bỏ nhà đi bụi, trải qua một hành trình phiêu lưu thú vị và thậm chí còn lần đầu tiên tìm được tình yêu của đời mình… trong cuốn tiểu thuyết “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” của nhà văn Thụy Điển Jonas Jonasson chắc hẳn cũng sẽ vô cùng cảm phục và yêu mến cụ ông trăm tuổi dưới đây dù đang trong tâm dịch, phải nằm viện song vẫn tràn đầy tình yêu vào cuộc sống.

Cụ Hà Hữu B (101 tuổi)

Cụ Hà Hữu B (101 tuổi có tiền sử đột quỵ não, tăng huyết áp) nhập viện ngày 7/5 trong tình trạng đột ngột mất ý thức, nói khó, sốt 38 độ, khó thở, ho khạc nhiều đờm đục. Sau khi loại trừ các yếu tố dịch tễ và xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính, cụ được cấp cứu hồi sức và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR hai lần đều cho kết quả âm tính.

Sau khi thăm khám kết hợp chẩn đoán qua hình ảnh (chụp CT sọ não và X-quang phổi thẳng), các bác sĩ chẩn đoán xác định đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tăng huyết áp. Bệnh nhân được đặt máy thở kết hợp theo dõi, điều trị nội khoa. Sau 5 ngày, bệnh nhân tự thở và được chuyển về bệnh phòng khoa Hồi sức cấp cứu BV Hồng Ngọc tiếp tục chăm sóc. Sau 10 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định: không sốt, thở tốt, ăn ngủ tốt và đặc biệt có thể đi lại tự phục vụ, đủ điều kiện xuất viện.

Sức khỏe cụ Bằng ổn định sau 10 ngày điều trị

Mặc dù đã ở  cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ Hà Hữu B tuy sức yếu mà tâm vẫn vững, mắt vẫn sáng, đầu óc vẫn vô cùng minh mẫn. Trong khi trò chuyện, cụ vẫn hào sảng kể về cuộc đời đầy phong ba, vào sinh ra tử của mình, tự hào là một lão thành cách mạng với hơn 70 năm tuổi Đảng, tự hào là con cháu Bác Hồ. Nhớ lại thời khắc ngã bệnh, cụ cười:

“Lúc ấy tôi tưởng tôi sắp đi gặp cụ Hồ rồi. Chân yếu, tay run “bắt chuồn chuồn”, cả người râm ran ngứa, táo bón nặng mấy ngày liền không đi được rồi đột nhiên chẳng biết gì nữa. Vậy mà bây giờ vẫn còn ngồi đây vui vẻ khỏe mạnh thế này… chưa chết được, vẫn sống khỏe lắm.”

Đối với cụ B, bệnh tật chỉ là điều tự nhiên phải đến. Nó không thể làm vơi đi những trăn trở lớn lao về vận nước, về dân tộc. Trong những ngày nằm điều trị tại BV Hồng Ngọc, mỗi khi rảnh rỗi, cụ lại xin nhân viên y tế mấy tờ giấy trắng, cụ say sưa đặt bút, viết ra những lời tâm huyết về Đảng, về đất nước, về ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đang tới gần. Hàng chữ tuy run rẩy nhưng vẫn đủ ý đủ nghĩa:

“Tôi quyết định phải sống để chiến đấu cùng toàn dân toàn Đảng, quyết tâm để đạt được thắng lợi Nghị Quyết XIII của Đảng.”

Hơn trăm tuổi, cụ B vẫn cầm bút sáng tác thơ trong thời gian điều trị

Cũng như cái cách mà một người cha lo nghĩ cho con, cho cháu, lo đấy nhưng vẫn tự hào, vẫn đầy tin tưởng:

“Mừng chờ Nghị quyết XIII

Vững tin còn vượt gấp ba, bốn lần

Nghị quyết của Đảng tầm cao

Đại thắng rực rỡ như sao trên trời…”

Con người đã đi qua hết thảy thăng trầm suốt hai thế kỷ ấy vuốt chòm râu bạc trắng, ánh mắt hiền từ khen cả những nhân viên y tế đã tận tâm chăm sóc để cụ trở lại khỏe mạnh sau hơn chục ngày chiến đấu với căn bệnh phổi mãn tính:

“Cảm ơn bệnh viện và tất cả y bác sĩ nhiệt tình chăm sóc, quan tâm tôi từng tí một, tuy thời gian điều trị ngắn nhưng mà tôi đã khỏi bệnh. Tôi để ý từng cái bắt bóng đèn cũng rất cẩn thận. Tôi xin gửi lời chúc bệnh viện an toàn tuyệt đối vượt qua dịch bệnh…”

Nụ cười hiền từ của cụ ông trăm tuổi

Ngày cuối cùng ở Hồng Ngọc trước khi xuất viện, cụ B bảo cụ còn phải sống khỏe mạnh vì “bà Bảy béo” ở nhà vẫn còn đang chờ cụ chăm sóc. Khi trò chuyện, cụ mắng bà lười lắm ấy thế mà từ trong sâu thẳm đôi mắt cụ không giấu được phần tình nghĩa đậm sâu. Chẳng thế mà suốt bốn mươi năm từ khi bà ngã bệnh, cụ B vẫn bền bỉ ở bên cạnh, lo lắng, bầu bạn. Mong rằng, cụ B giữ gìn sức khỏe thật tốt, giữ tấm lòng thật sáng và sống thật lâu, thật lâu để lan tỏa niềm cảm hứng sống đẹp đẽ ấy cho thế hệ trẻ hôm nay./.


Ý kiến của bạn