Rừng tự nhiên ở Quảng Nam còn nhiều, chiếm trên 65%, độ che phủ rừng cao đạt gần 60%; Khí hậu ôn hòa, tầng đất mặt của rừng ít bị bào mòn, lượng mưa nhiều rải đều trong năm, độ ẩm cao, đất đai rất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng, nhất là đối với cây dược liệu quí hiếm bản địa như: Sâm Ngọc Linh, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến, Đảng sâm, Đương quy, Quế Trà My và rất nhiều loại cây dược liệu khác.
Nhân rộng diện tích trồng Sâm Ngọc Linh - cây chủ lực phát triển kinh tế
Xác định cây Sâm Ngọc linh là cây chủ lực để nhân dân thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sâm ra 7 xã vùng quy hoạch. Tính từ năm 2016 đến nay, tốc độ phát triển trồng sâm Ngọc linh tăng khoảng 900% với diện tích đã trồng trên 2.000ha, tại 53 chốt hơn 1.200 hộ tham gia. Hằng năm từ các vườn trồng sâm đã cho ra hạt giống đạt khoảng 1 triệu hạt. Đã thành lập Trung tâm Sâm Ngọc Linh, Trại giống Sâm Ngọc Linh với diện tích 100ha nhằm bảo tồn nguồn gen gốc, công tác đảm bảo an ninh sâm và việc phòng, ngừa dịch bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Cùng với nỗ lực mở rộng diện tích, phát triển nguồn giống thì Nam Trà My còn chú trọng đến công tác quảng bá, thương mại để nâng tầm giá trị cho Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã hình thành hơn 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh thành các sản phẩm như Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu diệp linh sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh...
Dự kiến, đến năm 2030, sản lượng đạt khoảng 30 tấn để tạo ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm cung ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Vận động nhân dân trồng cây dược liệu bản địa
Đối với các loài cây dược liệu thì huyện Nam Trà My chú trọng vận động nhân dân trồng cây dược liệu bản địa cho giá trị kinh tế cao. Riêng cây Quế Trà My toàn huyện trồng mới được 2.597ha, nâng tổng diện tích quế hiện có lên trên 3.600ha, mỗi năm cung ứng hơn 1 tấn quế vỏ ra thị trường. Hiện tại huyện đã thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu đặt tại xã Trà Dơn nên nguồn nguyên liệu cành, lá, thân quế cũng được tiêu thụ góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đối với các loài dược liệu đặc hữu như Sâm nam, Giảo cổ lam, Đương quy, Lan kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa, Chè dây, Khổ qua rừng ... đang được bà con sống dưới sườn núi Ngọc Linh phát triển chuyên canh theo quy mô lớn với tổng diện tích đạt hơn 1.000ha.
Điển hình như mô hình trồng Sâm nam tập trung của bà con tại thôn 1 Trà Linh, thôn 3 Trà Cang, Trà Nam cho doanh thu mỗi năm hơn 100 triệu đồng/hộ, mô hình trồng Thất diệp nhất hoa tại Trà Nam cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm... Để từng bước giúp người dân nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thì huyện Nam Trà My cũng khuyến khích đăng ký sản phẩm OCOP.
Phát huy những kết quả bước đầu đạt được, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tận dụng lợi thế đặc thù về khí hậu, thổ những, Nam Trà My đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hình thành vùng trọng điểm sản xuất dược liệu của quốc gia. Trong đó, Sâm Ngọc Linh sẽ là cây tiên phong và cùng với Quế, Sâm nam, Giảo cổ lam, Đương quy, Lan kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa, Chè dây, Khổ qua rừng... tạo nên sự đa dạng về vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, để phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn các xã, Huyện đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, lấy tiêu chí nhóm hộ làm cơ sở, thực hiện các biện pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân; đồng thời gắn kết trách nhiệm để tuyên truyền, vận động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc trồng cây dược liệu của nhóm hộ, từ đó phục vụ đời sống nhân dân như giao thông nông thôn, thủy lợi, điện… tạo sự liên kết giữa người dân, giữa các nhóm hộ, giữa các địa phương trong toàn huyện.
Mục tiêu cụ thể: Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Mỗi năm phát triển từ 200.000 đến 300.000 cây giống sâm Ngọc Linh; gieo ươm, trồng mới quế Trà My đạt 1.500 ha/năm (tương đương 03 triệu cây/năm), đến năm 2025 tổng diện tích trồng đạt 10.000 ha; trồng các loại cây dược liệu đạt trên 50ha/năm.
Mục tiêu đến năm 2030: Là tập trung tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Đặc biệt là dựa trên việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Xây dựng được Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu trọng điểm của quốc gia, nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, phấn đấu xây dựng Nam Trà My thành vùng dược liệu trọng điểm của cả nước.
Với sự hỗ trợ của các bộ ngành từ Trung ương đến tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà sự chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của người dân, vùng dược liệu trọng điểm Nam Trà My chắc chắn sẽ nhanh chóng hình thành một cách mạnh mẽ trong thời gian không xa nữa. Những vườn sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, vườn dược liệu quý sẽ góp phần nâng tầm sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp cho nhân loại toàn cầu.
Xem thêm video được quan tâm
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu Hhệu nào? I SKĐS