Nấm thực quản: Triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa tránh lây lan, tái phát

07-06-2022 09:17 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nấm thực quản là bệnh lý nhiễm trùng rất phổ biến. Bệnh khá dai dẳng nhưng vẫn có thể điều trị khỏi dứt điểm nếu phát hiện và điều trị sớm tránh để lây lan sang những vùng khác hoặc khiến thực quản bị tổn thương nhiều hơn.

1. Tổng quan về bệnh nấm thực quản

Nấm thực quản là bệnh nhiễm trùng do nấm Candida gây ra. Candida thường dễ sinh sôi ở những vị trí như khoang miệng, thực quản, ruột và âm đạo khi có điều kiện thuận lợi, sức đề kháng suy yếu.

Có 4 cấp độ nhiễm nấm thực quản, gồm:

- Mức độ I: Mảng trắng xuất hiện với số lượng ít, kích thước nhỏ. Bệnh gây xung huyết thực quản nhưng không gây phù và loét.

- Độ II: Mảng trắng nhiều hơn, kích thước to hơn, gây phù và xung huyết trong thực quản tuy nhiên không có loét.

- Độ III: Mảng trắng nhiều và dày đặc ống thực quản gây xung huyết, phù và loét.

- Độ IV: Mức độ tổn thương giống độ III, ngoài ra lớp niêm mạc còn bị chít hẹp.

photo-1654245770133

Nên đi khám ngay nếu có biểu hiện bệnh.

2. Triệu chứng của bệnh nấm thực quản

Nấm thực quản nhiều khi không có bất kỳ triệu chứng nào nhưng đôi khi gặp hàng loạt các biểu hiện khác nhau:

- Người bệnh khó nuốt, nuốt đau, cảm giác nuốt bị vướng và đau, nghẹn. Đau ngực sau xương ức

- Xuất hiện mảng trắng ở niêm mạc trong miệng, trên lưỡi và cổ họng.

- Ở trường hợp trầm trọng có thể nôn ra máu

- Số ít có thể sốt, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân.

3. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

- Trẻ em, người trên dưới 55 tuổi, phụ nữ đang mang thai, ...

- Người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, vừa mới phẫu thuật, điều trị ung thư, người mắc bệnh tiểu đường, suy tuyến thượng thận, hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh…

- Người dùng kháng sinh và hoặc corticosteroid, bao gồm cả corticosteroid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn.

- Người hay ăn nóng, ăn cay, thường xuyên sử dụng chất kích thích, lạm dụng thuốc, ...

- Ngoài ra, bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế bơm proton, uống rượu bia, hút thuốc lá cũng có nguy cơ cao bị nấm thực quản.

Nấm thực quản nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến biến chứng loét, rò thực quản, hẹp thực quản… Hơn thế, nấm có thể tấn công vào nội tạng và toàn thân rất nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

4. Chẩn đoán bệnh nấm thực quản

Để chẩn đoán nấm thực quản bác sĩ có thể tiến hành: Sử dụng thiết bị nội soi có gắn camera ở đầu để thu được hình ảnh bên trong thực quản; Nuôi cấy bệnh phẩm để định danh nấm: sử dụng kỹ thuật nội soi bằng kìm sinh thiết để lấy mẫu bệnh phẩm ở trong thực quản ra ngoài.

Sau khi có kết quả chẩn đoán thì bác sĩ sẽ có cơ sở để đưa ra biện pháp can thiệp và điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân.

photo-1654245777862

Cảm giác nuốt bị vướng và đau, nghẹn là triệu chứng của nấm thực quản.

5. Phương pháp điều trị nhiễm nấm thực quản

Tùy vào triệu chứng và mức độ nhiễm nấm sau khi khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, nấm thực quản sẽ kèm theo một số bệnh ở đường tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm HP... Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định nhiều loại thuốc khác nhau như thuốc giảm đau, thuốc kháng nấm để chống nhiễm khuẩn.

Phác đồ điều trị nấm thực quản chỉ gồm thuốc kháng nấm fluconazole uống, nếu nặng cần truyền tĩnh mạch. Đây là thuốc kháng nấm được chỉ định phổ biến vì mang lại hiệu quả, vi khuẩn nấm không kháng thuốc, ít gây tác dụng phụ đối với gan thận. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như: chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, còn có một số tác dụng phụ ít gặp hơn như ngứa, nổi ban...

Sau khi dùng fluconazole nếu bệnh nhân không thuyên giảm bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc kháng nấm khác.

Có thể áp dụng kết hợp 2 loại thuốc fluconazol toàn thân với nystatin tại chỗ. Liều lượng và thời gian dùng thuốc tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần hạn chế ăn đồ ngọt, không uống nước có ga hoặc đồ uống có cồn trong suốt quá trình điều trị.

6. Nấm thực quản có lây không? Phòng ngừa thế nào?

Nguyên nhân gây bệnh là nấm Candida, nên nấm có thể lan sâu vào nội tạng và thường xuất hiện ở cả miệng, họng.

Hầu hết mọi người đều có nấm ở trên bề mặt niêm mạc và nó chỉ gây bệnh nếu hệ miễn dịch của chúng ta suy yếu. Do vậy mà khi ăn uống hay tiếp xúc gần với bệnh nhân nấm thực quản hầu như không lây.

Để phòng bệnh viêm nấm thực quản cần cải thiện tình trạng sức khỏe thông qua lối sống và ăn uống lành mạnh nhằm tăng cường miễn dịch:

  • Nên sử dụng các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ nuốt ở dạng lỏng như cháo, súp..., ăn đa dạng các loại thực phẩm: chất đạm, tinh bột, protein, chất xơ...
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, ngoài nước lọc tinh khiết có thể uống sữa, nước ép trái cây...
  • Vệ sinh răng miệng tốt, súc miệng với nước muối để sát khuẩn, làm sạch khoang miệng và họng.
  • Cần sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tập luyện thể dục đều đặn, không sử dụng các chất kích thích.
  • Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người bị bệnh.
  • Cần điều trị đúng phác đồ và theo dõi sức khỏe thường xuyên với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ cao như HIV/AIDS.
  • Không tự ý dùng thuốc và lạm dụng thuốc ức chế miễn dịch mà không có chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ.
Nấm ống tai ngoài - Cách nhận biết và điều trị, tránh tái phátNấm ống tai ngoài - Cách nhận biết và điều trị, tránh tái phát

SKĐS - Khí hậu ẩm thấp hiện nay rất dễ làm các loại nấm gây bệnh phát triển trong đó có nấm ống tai ngoài. Bệnh gây triệu chứng ngứa ngáy, đau tai, ù tai… Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh thường không được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Mời đón xem video được nhiều người quan tâm:

Số ca mắc đậu mùa khỉ tăng mạnh tại Canada


BS. Phạm Thắng
Ý kiến của bạn