Nấm thực quản có khó chữa?

29-09-2019 08:54 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nước ta có khí hậu nóng ẩm là điều kiện cho các loại nấm phát triển, cộng với ý thức người dân chưa cao trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe: tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh, tỷ lệ các bệnh ác tính, bệnh chuyển hoá cao...

Đồng thời, sự lạm dụng kháng sinh và corticoid lan tràn tạo điều kiện cho các bệnh do vi nấm ngày càng phát triển, trong đó có bệnh nấm thực quản.

Bệnh nấm thực quản là bệnh gì?

Bệnh nấm thực quản là một trong những bệnh về hệ tiêu hóa mà nhiều người mắc phải. Một số nguyên nhân chính gây mắc chứng bệnh này như: Yếu tố sinh lý: Những nhóm người như trẻ sơ sinh, người già, phụ nữ có thai...sức khỏe thường yếu và dễ bị nhiễm nấm thực quản nhất... Yếu tố bệnh lý: Một số trường hợp mắc bệnh như tiểu đường, bệnh suy dinh dưỡng, ung thư, bệnh máu ác tính, nhiễm HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch... sẽ có nguy cơ cao mắc nấm thực quản hơn so với những người bình thường; Chế độ cung cấp chất dinh dưỡng không khoa học: Sử dụng quá mức những thực phẩm cay nóng, dùng nhiều chất kích thích...; Thuốc: Dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài diệt hết các vi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng sinh thái tại chỗ, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Bệnh có những những biểu hiện lâm sàng nghèo nàn, dễ làm chúng ta lầm tưởng với các bệnh lý tiêu hóa khác. Chính vì thế, việc phát hiện và điều trị gặp rất nhiều khó khăn khiến người bệnh rất mệt mỏi.

Hình ảnh nấm thực quản.

Hình ảnh nấm thực quản.

Biểu hiện lâm sàng

Các dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh nấm thực quản thường không rõ ràng dễ khiến chúng ta nhầm lẫn với một số bệnh lý về dạ dày khác. Các triệu chứng bệnh nấm thực quản thường gặp nhất như: nuốt thức ăn thấy đau, thường xuyên có cảm giác nghẹn, đau dọc xương ức khi nuốt và có thể bị nôn ra máu. Ngoài ra, có một số yếu tố ít gặp: sốt, sút cân, tiêu chảy...

Khi khám miệng thì có thể thấy nấm miệng, tổn thương có thể riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau thành từng mảng trắng ở niêm mạc miệng và họng, ở miệng và ở lưỡi. Ngoài các triệu chứng trên, có không ít trường hợp bị viêm thực quản do nấm Candida mà biểu hiện lâm sàng cũng không hề rõ ràng. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm bệnh cũng hết sức khó khăn. Mỗi người chúng ta cần quan sát và theo dõi sức khỏe bản thân mình thật cẩn thận để có biện pháp khắc phục bệnh càng sớm càng tốt.

Biến chứng (ít gặp): Chảy máu thực quản, thủng thực quản, hẹp thực quản hoặc Candida xâm lấn toàn thân.

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào quan sát trên nội soi, soi tươi và nếu có điều kiện thì cấy nấm.

Điều trị thế nào?

Nếu thấy có những biểu hiện của bệnh nấm thực quản, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ trực tiếp thăm khám và có biện pháp điều trị bệnh phù hợp với tình trạng mắc bệnh.

Hướng điều trị bệnh nấm thực quản có thể là:

Sử dụng thuốc: các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng sinh để diệt trừ các vi khuẩn, phá vỡ thế cân bằng sinh thái tại chỗ, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Lưu ý: Thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Có rất nhiều yếu tố làm cho các bệnh vi nấm ngày càng phát triển dẫn đến nhu cầu về các thuốc chống nấm ngày càng tăng. Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của các nhà nghiên cứu nhưng hiện nay, số thuốc kháng nấm dùng trong lâm sàng vẫn chưa nhiều, trong khi nguy cơ kháng thuốc đối với các thuốc điều trị nấm ngày càng tăng. Nhóm azol ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc điều trị các bệnh do nấm gây ra, trong đó, fluconazol là thuốc đầu tiên khá hiệu quả.

Trước đây, khi điều trị nhiễm nấm, người ta thường dùng amphotericin B, nystatin để điều trị nhưng vì độc tính với gan thận và tỷ lệ kháng thuốc ngày càng cao nên gần đây, các bác sĩ lâm sàng thường dùng nhóm thuốc triazole mà đại diện là fluconazol.

Ngoài ra, nếu trường hợp bị mắc nấm thực quản nặng thì có thể được điều trị bằng biện pháp nội soi.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh nhân khi điều trị cần lưu ý:  Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý;  Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên sử dụng các nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ nuốt ở dạng lỏng như cháo, súp..., ăn đa dạng các loại thực phẩm: chất đạm, tinh bột, protein, chất xơ... Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá... Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, ngoài nước lọc tinh khiết có thể uống sữa, nước ép trái cây...

Nấm là một bệnh lý cơ hội, thường chỉ xảy ra khi có sự suy giảm miễn dịch hoặc sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút; do đó, để hạn chế bệnh lý do nấm gây ra, trước hết, mỗi chúng ta cần có ý thức trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt không được tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch cho cơ thể như corticoid. Mặt khác, chúng ta cần có ý thức hơn trong ăn uống, sinh hoạt và lao động để có một cơ thể khỏe mạnh, tránh mắc phải các bệnh mạn tính dễ tạo điều kiện cho bệnh nấm phát triển.


BS. Văn Thắng
Ý kiến của bạn