Huế từng là kinh đô của cả nước dưới triều các vua Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1945, cho nên các yếu tố tự nhiên, mang ý nghĩa quan trọng của vùng đất Kinh đô được các vua Nguyễn đưa vào quy hoạch và khai thác triệt để, càng tăng thêm giá trị không chỉ về mặt phong thủy mà yếu tố phòng thủ còn được quan tâm đúng mức.
Theo Đại Nam nhất thống chí: "Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng… sông lớn ngăn phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua".
Dưới thời quân chủ, rồng được suy tôn là biểu tượng của bậc đế vương, gắn liền với hình ảnh vua, đỉnh cao của quyền uy, nên dễ hiểu khi các công trình, kiến trúc ở Huế xuất hiện nhiều hình tượng rồng.
Ngoài việc tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên tử, rồng còn là linh vật đứng hàng đầu trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Các linh vật trong hàng "tứ linh" được sử dụng để trang trí với mật độ dày đặc trong đời sống cung đình. Tiêu biểu phải kể đến các công trình trong quần thể di tích Cố đô Huế, tất cả các chi tiết rồng được đắp nổi trên các cung điện với những hình dáng, thế khác nhau.
Trong nghệ thuật trang trí cung đình Huế, hình tượng rồng chiếm một vị trí trung tâm, chủ đạo trên các công trình kiến trúc cũng như các vật dụng trong hoàng cung với rất nhiều kiểu thức trang trí phong phú và đa dạng với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đồng, pháp lam, khảm, sành sứ.
Dưới đây là một số hình ảnh về hình tượng rồng ở các công trình kiến trúc, di tích, đền đài, ấn kiếm do PV Báo Sức khoẻ & Đời sống ghi nhận:
Hình tượng rồng xuất hiện ở Nghênh Lương Đình, đối diện Phu Văn Lâu (TP. Huế).
Hình tượng rồng hiện diện tại lầu Ngũ Phụng nằm trên nền đài và cổng Ngọ Môn.
Hình tượng rồng tại di tích Quốc Tử Giám Huế.
Hình tượng rồng trên Cửa Hiển Nhơn.