Ở ngôi làng trung tâm Vạn Vỹ, có một ngôi đình cổ có niên đại gần 300 năm được gọi là “Há đình”. Há đình có nghĩa là hát đình, một lễ hội văn hóa truyền thống của người Kinh ở đây được bắt đầu từ mùng 9-15/6 âm lịch. Gần đó, một cây si khá lớn được treo lồng đèn đỏ, kế thân cây có một tấm biển ghi ba thứ tiếng Anh, Trung, Việt đề tên cây là “Cây tương tư Nam quốc”. Mấy trăm năm qua, tên cây chính là di nguyện của bao thế hệ người dân nơi đây, là lời tổ huấn dạy con cháu không được quên đi cội nguồn Việt tộc.
Ðộc đáo “hóa thạch ngoại biên”
Chiếm một diện tích khiêm tốn cùng với số dân ít ỏi, nhưng ba ngôi làng này đặc biệt được giới nghiên cứu nhân loại học thế giới và Trung Hoa quan tâm tìm hiểu và nhận định, nét văn hóa truyền thống của cư dân nơi đây là hiện tượng văn hóa - lịch sử quý hiếm được gọi là “hóa thạch ngoại biên” hoặc còn gọi là “hoạt hóa thạch” như cách gọi của giới nhân loại học Trung Quốc. Một tài liệu nghiên cứu đã viết như sau: “Người Kinh trên phương diện sinh hoạt phấn đấu trường kỳ đã sáng tạo một nền văn hóa rực rỡ muôn màu, nội dung của nền văn học truyền khẩu thật phong phú, ca khúc và khúc điệu đạt đến 30 loại. Lời ca thuần phác, khúc điệu bình dị, ít biến hóa. Ðàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi”.
Hình ảnh thiếu nữ dân tộc Kinh cùng cây đàn bầu được in trên porter quảng cảo của du lịch Quảng Tây.
Họ là những người con đất Việt vì sinh cơ đã giong thuyền tìm đất mới rồi dạt đến vùng nội địa biên thùy nước bạn từ hơn 500 năm về trước. Sau 10 đời định cư, trải qua hơn 500 năm, tại ba hòn đảo nhỏ ven bờ, thường được chính quyền sở tại gọi là “Kinh tộc tam đảo”, cư dân nơi này đã nỗ lực vươn lên để trở thành một trong những dân tộc thiểu số có giàu nhất Trung Quốc và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa cũng luôn được xếp hàng đầu. Bước qua cái cổng làng được xây cách điệu, chúng tôi được mọi người niềm nở chào đón bằng tiếng Việt tuy không thật sõi nhưng âm tiết và ngữ điệu thì... đặc sệt dân làng biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Anh Lương Đại Bân, chủ nhà giải thích rằng, các thế hệ trước vốn nói tiếng Việt và sử dụng phổ biến chữ Nôm. Sau này để hòa nhập, họ cũng nói tiếng địa phương là tiếng Quảng Đông và sử dụng Hán tự, nhưng khi về làng thì đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Thậm chí, dù có nói tiếng Quảng Đông thì về ngữ pháp, người Kinh không nói ngược như dân Hán mà vẫn nói xuôi theo lối giao tiếp của người Việt.
Ông Lương Phong, cha của Lương Đại Bân cho chúng tôi xem gia phả dòng họ Lương của ông cùng nhiều dòng họ khác được viết bằng chữ Nôm lưu giữ ở Há Đình. Gia phả có ghi lại, dòng họ này có phát tích từ đất Đồ Sơn, Hải Phòng. Cách đây hơn 500 năm, trong một lần đi biển gặp bão, họ đã dạt vào vùng Mũi Ngọc (Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh ngày nay). Bão tan, họ chia thành hai nhóm. Nhóm ở lại sau trở thành tổ tiên của người dân vùng Trà Cổ. Nhóm rời đi lên thuyền tiếp tục hành trình, cuối cùng thì dạt đến đất Giang Bình này. Thế nên mới lưu truyền câu tục ngữ “Giang Bình, Trà Cổ có tổ Đồ Sơn”.
Đoàn người ra đi ngày ấy có khoảng 100 người gồm 12 dòng họ: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương. Từ ba hòn đảo mà cha ông đến dựng nghiệp, nay do phù sa bồi đắp đã thành đất liền, họ đã nhanh chóng hòa nhập với các sắc dân khác ở đất này và trở thành dân tộc Kinh của nước bạn.
Trăm năm nét Việt không nhòa
Nơi đây, hầu hết các gia đình người Kinh đều làm nghề thu mua hải sản, số khác theo nghề du lịch và buôn bán tại khu vực biên giới. Riêng làm nghề biển, mỗi tháng có gia đình thu nhập khoảng 5-7 vạn tệ. Với thế mạnh là khả năng gìn giữ ngôn ngữ suốt nhiều thế kỷ và am hiểu tính cách, phong tục Việt Nam, nên cộng đồng người Kinh nơi đây đã trở thành cầu nối giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc... Chúng tôi được Bí thư Tô Minh Phương dẫn đi gặp nghệ nhân đàn bầu Tô Xuân Phát khi ông đang dạy đàn bầu cho lớp trẻ. Ông cũng cho biết thêm rằng, trước đây, các bậc tiền bối rất coi trọng việc truyền dạy đàn bầu cho con cháu người Việt. Sau này, cùng với nhận thức về đa dạng văn hóa các dân tộc cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng người Kinh nơi đây, Chính phủ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ người truyền dạy đàn bầu 10.000 nhân dân tệ mỗi năm và 20.000 nhân dân tệ cho các cháu học đàn bầu thực sự có năng khiếu phát triển. Một cô gái Việt xuất thân từ làng Vạn Vỹ mang tên Tô Hải Trân đã trở thành “hiện tượng” của âm nhạc truyền thống Trung Quốc khi biên tập và phát hành tập nhạc chuyên về đàn bầu hàng đầu Trung Quốc mang tên “Hải vận ma ảnh”. Và hình ảnh cô gái xinh đẹp, duyên dáng mặc áo dài, chơi đàn bầu bên cột mốc biên giới đã được in thành một bộ tem bưu chính.
Với số dân ít ỏi nhưng chính bản sắc văn hóa rất khu biệt và sự kiên trì không chịu rời bỏ phong tục tập quán của người Việt đã khiến cho chính quyền Trung Quốc phải chính thức công nhận họ là một trong cộng đồng 56 dân tộc của nước này. Và hình ảnh cô gái Kinh tộc đội nón bài thơ, miệng cười duyên dáng mời gọi trên các poster quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Tây đã khiến chúng tôi tự nhủ rằng, sẽ sớm có ngày quay lại nơi này.