Nam thanh niên uống 19 viên thuốc để hạ sốt đã tử vong

12-09-2017 15:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm chống độc cho biết, bệnh nhân trẻ sinh năm 1995 ( ở Sơn La) bị ngộ độc paracetamol do dùng 19 viên thuốc để hạ sốt trong 2 ngày, trên nền bệnh nhân viêm gan B đã không thể qua khỏi.

Tin từ Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 12/9 cho biết, bệnh nhân trẻ sinh năm 1995 ( ở Sơn La) ngộ độc paracetamol do dùng 19 viên thuốc để hạ sốt trong 2 ngày, trên nền bệnh nhân viêm gan B đã không thể qua khỏi vì hôn mê gan. Chiều ngày 11/9, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà để lo hậu sự.

Trước đó, Sức khỏe đời sống đã thông tin nam bệnh nhân 22 tuổi được chuyển đến Trung tâm Chống độc cấp cứu vào ngày 6/9 trong tình trạng tổn thương gan, viêm gan rất nặng, có dấu hiệu suy gan.

Gia đình nam bệnh nhân cho biết, trước đó, vì bị sốt liên tục không đỡ nên người bệnh đã uống 19 viên thuốc paracetamol chỉ trong 2 ngày để hạ sốt, loại có hàm lượng 500 mg mỗi viên.

“Với số lượng này bệnh nhân đã dùng quá liều thuốc, dẫn đến ngộ độc, bên cạnh đó, bệnh nhân lại có tiền sử viêm gan B nên càng làm tăng tình trạng nặng của ngộd dộc. Hiện bệnh nhân bị hôn mê gan, tiên lượng rất nặng, sốt cao chưa xác định nguyên nhân, có thể có nhiễm trùng”- BS Nguyên nói.

Paracetamol là thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng phổ biến, có thể mua mà không cần đơn của thầy thuốc. Hiện trên thị trường có hàng trăm loại thuốc chỉ chứa hoạt chất này hoặc phối hợp thêm với một hoặc vài dược chất khác. Loại thuốc này còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... với hàm lượng khác nhau, từ 80mg, 150mg, 250mg... đến 500mg.

Các bác sĩ chăm sóc cho nam thanh niên bị ngộ độc paracetamol tại Trung tâm chống độc

Theo BS Nguyên, tình trạng ngộ độc paracetamol rất dễ gặp nếu người dân không để ý. Khác với ngộ độc do chủ định uống để tự tử, bệnh nhân được người thân biết ngay, đưa đến viện sớm. Còn người bệnh ngộ độc paracetamol vì uống thuốc với mục đích giảm đau, hạ sốt nhiều khi ngay cả họ cũng không biết, không nghĩ mình ngộ độc. Chỉ đến khi cơ thể mệt mỏi, vàng da, viêm gan rồi mới đến viện thì đã quá muộn.

Do đó các chuyên gia khuyến cáo, khi dùng thuốc phải tuân thủ liều lượng. Với trẻ em dưới 12 tuổi, liều paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg/kg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần dùng mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng nhỏ hơn 11 kg nên dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg/kg/ngày và không được quá 4 g một ngày.

BS Nguyên nêu rõ: Người Việt trưởng thành tốt nhất là mỗi ngày chỉ 2g trở lại tương đương với 4 viên thuốc, có thể cho phép đến 3g (6 viên) nhưng ở mức dùng này có nguy cơ. đặc biệt là với người có tiền sử viêm gan, thể trạng yếu, nghiện rượu...

Cũng theo BS Nguyên, trường hợp bị ngộ độc paracetamol rất nhanh, có thể chỉ sau vài giờ uống thuốc. Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1, 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu. Khi ngộ độc paracetamol, nồng độ paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, sẽ làm chất độc tích lũy lại gây hoại tử tế bào gan.

Tình trạng hoại tử lan rộng sẽ dẫn đến suy gan cấp, đến thận gây suy thận, thậm chí thấm vào não khiến trẻ bị hôn mê…Trong trường hợp nặng bệnh nhân kích động, mê sảng, suy hô hấp và có thể tử vong do suy đa tạng (thận, gan).


Cũng theo thông tin từ Trung tâm chống độc, nạn nhân bị ngộ độc rượu có methanol vào Trung tâm chống độc hôm 7/9 trong chùm 3 bệnh liên tiếp nhập viện từ ngày 4-7/9 mà báo Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin cũng đã tử vong.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân N.X.L (sinh năm 1968, Hải Dương) có tiền sử nghiện rượu, không biết uống rượu ở đâu, hôn mê, tổn thương não do methanol, với nồng độ 132,6mg/dl. Các bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong cao vì huyết áp tụt, não tổn thương nhiều và bệnh nhân đã không qua khỏi do rượu methanol gây ra tình trạng tổn thương, hoại tử hai bên não nặng nề.


Thái Bình
Ý kiến của bạn