Chiều tối ngày 2/10/2023, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc- Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận một nam thanh niên vào viện trong tình trạng đau bụng nhiều và buồn nôn sau khi ăn trứng cóc khoảng 30 phút. Đó là bệnh nhân D.T.Đ, 24 tuổi, trú tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết bệnh nhân đi bắt cóc về làm thịt và có ăn trứng, sau đó xuất hiện đau bụng và buồn nôn. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, mệt mỏi toàn thân, đau đầu.
Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc Bufodienolid, Bufotoxin và một số chất khác do ăn trứng cóc. Các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, atropin. Sau một giờ bệnh nhân xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn. Mặc dù được cấp cứu ngừng tuần hoàn và đặt máy tạo nhịp nhưng bệnh nhân không hồi phục.
Bác sĩ Lê Hồng Nhân- Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc cho biết: Đây là trường hợp bệnh nhân nặng vì triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm ngay sau khi ăn. Nọc cóc hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa dẫn đến tổn thương về thần kinh, tim mạch và tăng kali máu. Khi xuất hiện rung thất thì hầu hết bệnh nhân bị tử vong.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo, cóc có thể gây độc toàn bộ vòng đời của nó, từ trứng, nòng nọc, cóc nhỏ đến cóc trưởng thành. Tuyến độc của cóc nằm bao phủ toàn bộ ở da và ở tuyến mang tai, nội tạng, trứng. Nhiễm độc toàn thân xảy ra khi ăn nội tạng và trứng, trẻ em liếm cóc, cầm cóc khi da tổn thương hay ngậm cóc vào miệng hoặc độc tố bắn vào mắt...
Ngộ độcnọc cóc tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, tốt nhất là chỉ nên ăn thịt cóc đã chắc chắn chế biến đúng cách, tuyệt đối không ăn trứng, da, nội tạng của cóc. Khi có triệu chứng ngộ độc, nên chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.