"Tôi sẽ giữ sức khỏe, bảo vệ quả thận mà mẹ đã "gửi gắm" cho tôi"
Anh H. nắm chặt tay mẹ xúc động nói: "Mẹ đã sinh ra tôi và giờ đây mẹ đã "chia sẻ" cho tôi một quả thận. Mẹ đã sinh ra tôi thêm một lần nữa. Tôi sẽ giữ sức khỏe, bảo vệ quả thận mà mẹ đã "gửi gắm" cho tôi".
Còn bà Ngô Thị D. (mẹ anh H.) cũng nghẹn ngào cảm ơn các thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã ghép thận thành công cho con trai bà và trong quá trình điều trị, chăm sóc đã tận tụy hết lòng với cả 2 mẹ con.
Đó là những hình ảnh xúc động được chia sẻ trong chiều nay - 26/9 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ca ghép thận của anh H. (24 tuổi, trú ở Nam Định) là 1 trong 3 ca ghép thận thành công tại bệnh viện này. Cũng từ đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chính thức ghi tên vào "bản đồ ghép tạng" Việt Nam.
Anh P.T.H. chia sẻ, năm 17 tuổi anh đã bị viêm cầu thận và điều trị bảo tồn được 3 năm. Sau đó, do dịch COVID-19, anh H. chủ quan không tiếp tục điều trị.
"Năm 2022, sức khỏe ngày càng tệ hơn, tôi đến bệnh viện kiểm tra. Lúc này, bác sĩ nói tôi đã suy thận mạn, phải chạy thận 3 lần/tuần. Thế nhưng do sức khỏe không đảm bảo, tôi thường xuyên phải vào viện cấp cứu vì suy thận cấp", anh H. nói.
Thấy sức khỏe không thể duy trì bằng việc chạy thận, anh H. và mẹ đã bàn bạc để có thể ghép thận. Thế nhưng nguồn thận hiến từ người cho chết não rất hiếm hoi, khó có thể chờ đợi được.
Vì vậy, mẹ con anh H. đã quyết định đến bệnh viện kiểm tra để ghép thận từ người cho cùng huyết thống. Mẹ anh H. quyết tâm "chia sẻ" một quả thận của mình cho con trai.
Bà D. chia sẻ, mỗi lần con vào viện cấp cứu là một lần cảm giác như bà sẽ mất con. May mắn, hai mẹ con tương thích nên các bác sĩ đã ghép thận thành công cho con trai bà.
"Mới đầu, tôi cũng lo lắng không biết có thể hiến không, phẫu thuật thành công không... Nhờ các bác sĩ, hiện cả hai mẹ con đã khỏe hơn" - bà D. chia sẻ.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã thực hiện thành công 2 ca ghép thận đều từ người hiến sống và người hiến đều là mẹ của bệnh nhân. Đó là trường hợp của chị N.T.B.H. (26 tuổi, ở Tuyên Quang) được ghép thận thành công từ quả thận do mẹ chị hiến. Chị H. bị suy thận mạn giai đoạn cuối từ đầu năm 2022 và phải chạy thận 3 lần/tuần. Vì thế, chị khao khát được ghép thận để khỏe mạnh và không phải lọc máu nữa.
Nhưng ca ghép này khá khó khăn khi mẹ chị H. đã lớn tuổi, thể trạng nhỏ hơn con gái nên nguy cơ chức năng thận ghép khó đạt như kỳ vọng. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hậu cần và tiên lượng trước tất cả các khả năng có thể xảy ra. Ca ghép đã diễn ra thành công. Sức khỏe cả người cho và người nhận nhanh chóng hồi phục.
Trường hợp còn lại là anh L.B.C. (19 tuổi, ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị suy thận giai đoạn cuối. Từ một nam thanh niên lao động khỏe mạnh, anh C. sút cân nhanh chóng và rơi vào hoảng loạn khi biết cuộc sống sẽ gắn liền với chiếc máy lọc máu chu kỳ.
Đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, anh được các bác sĩ tư vấn các phương pháp điều trị, trong đó ghép thận là phương pháp phù hợp nhất với anh.
Với quả thận do mẹ anh C. tặng con trai, các bác sĩ đã tiến hành ca ghép kéo dài 6 giờ. Hiện, sức khỏe của mẹ con anh C. đều hồi phục nhanh.
"Quả ngọt" của 2 năm chuẩn bị để ghi dấu tên vào bản đồ ghép tạng Việt Nam
Chia sẻ thêm thông tin, BS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, để có thể duy trì sự sống, cứ cách một ngày bệnh nhân phải đến bệnh viện lọc máu 1 lần. Ngoài các chi phí BHYT thanh toán, người bệnh vẫn phải mất một khoản chi phí không nhỏ hằng năm
"Mặc dù được lọc máu thường xuyên, sức khỏe những người bệnh cũng chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng, cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, còn việc tham gia lao động, công tác, học tập là rất khó.
Đối với những bệnh nhân này, sau khi được ghép thận, họ sẽ có cơ hội sống khỏe mạnh, sinh hoạt và làm việc bình thường"- BS Tuyên nói.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để thực hiện 3 ca ghép thận thành công, các cán bộ, nhân viên nơi đây đã mất 2 năm chuẩn bị với 4 kỳ thẩm định khắt khe. Khi triển khai, Bệnh viện dù có nhiều lo lắng nhưng rất quyết tâm.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có thuận lợi là kỹ thuật, cơ sở hạ tầng tốt, công tác đào tạo cũng kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là là sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Quân y 103 và sự đồng lòng thực hiện của ê-kíp ghép thận. Trước khi triển khai, Bệnh viện còn chuẩn bị rất kỹ các phòng vô khuẩn, các thuốc, vật tư, nhất là thuốc chống thải ghép, đảm bảo không bị đứt gãy.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đánh giá cao sự cố gắng của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khi làm chủ được kỹ thuật ghép thận.
"Mặc dù đây là kỹ thuật đã được nhiều bệnh viện thực hiện, tuy nhiên đây là bước phát triển của bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Những kỹ thuật này sẽ góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân. Hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên"- ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.