Cụ thể, vào lúc 7h15 phút ngày 22/6/2017, tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai, tầng 18 tòa nhà Q (21 tầng) sau khi nhận được tin báo khẩn cấp “có một người leo ra bên ngoài lan can của hành lang tầng 18 tòa nhà có ý định tự tử”. Ngay lập tức Lãnh đạo Trung tâm Hô hấp đã chỉ đạo cho 1 Điều dưỡng đến tiếp cận hỏi han, thuyết phục, khuyên nhủ và trì hoãn thời gian. Trong lúc đó đồng thời gọi điện thoại báo cáo Ban giám đốc BV, Phòng Kế hoạch Tổng hợp để xin chỉ đạo hỗ trợ kịp thời; Phòng Bảo vệ An ninh trật tự bệnh viện, trực bảo vệ cộng lực của tòa nhà Q để phối hợp.
Rất khẩn trương ngay sau đó, BV đã nhận được sự phối hợp của công an phường Phương Mai, của Quận Đống Đa tăng cường lực lượng có kỹ năng nghiệp vụ để trợ giúp giải cứu bệnh nhân. Sau gần 1 giờ đồng hồ, nhóm “giải cứu” đã vận động được người bệnh tự trèo vào bên trong lan can và được đưa vào phòng thư viện của Trung tâm Hô Hấp một cách an toàn.
Bệnh nhân M. điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai.
TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần đã được mời đến và xác nhận: đó là 1 người bệnh được nhập viện điều trị khoảng gần 1 tháng nay. Anh Đinh Quang M. (29 tuổi) và đang chuẩn bị cho ra viện thì BN trốn viện và nhập viện trở lại từ hôm 02/6 với chẩn đoán: Loạn thần cấp, hoảng tưởng có ý tưởng tự sát. Bệnh nhân đã được TS. Dũng đưa về Viện sức khỏe tâm thần để tiếp tục điều trị.
Bà Nguyễn Thị T - mẹ của M. chia sẻ với chúng tôi: “Sáng nay, không thấy con, tôi đã ra đường tìm vì nghĩ cháu lại trốn viện. Ngờ đâu cháu lại sang đây để định làm điều dại dột. May mà các bác sĩ đã phản ứng nhanh nhạy và được sự hỗ trợ kịp thời của các anh công an mà cháu được cứu sống. Chúng tôi sẽ cẩn thận hơn nữa trong việc trông nom cháu”.
Cũng không giống như những bệnh tâm thần khác, bệnh hoang tưởng thường tới bất ngờ, mặc dù trước đó một thời gian người bệnh có thể có những biểu hiện khác thường, như bị mất ngủ. Khi lên cơn, người bệnh thường kể cho mọi người thân rằng mình bị rình rập, theo dõi, đe dọa, bị ma ám hoặc vừa nhận được một nhiệm vụ đặc biệt,... Đôi khi lại tưởng mình là một nhân vật quan trọng, nổi tiếng hoặc là nạn nhân nào đó.
Người mắc bệnh hoang tưởng thường ngủ ít, ăn ít và uống nước ít nên nhìn họ rất mệt mỏi, hốc hác. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể có những hành động có hại cho bản thân hoặc cho người khác, sau đó, thường có xu hướng lẩn trốn vì mặc cảm tội lỗi. Nếu thấy người xung quanh mình có những biểu hiện bất thường kể trên, chúng ta nên cố gắng tìm nguyên nhân và đưa bệnh nhân đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt. Có như thế bệnh mới nhanh thuyên giảm và khả năng phục hồi sẽ càng cao.