Ốc, tôm, cua nước ngọt có thể chứa ấu trùng sán lá phổi
Bệnh sán lá phổi với 40 loài khác nhau, thuộc giống Paragonimus được phát hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam nhưng chỉ có trên 10 loài gây bệnh ở người, chủ yếu là loài Paragonimus westermani, còn ở Việt Nam là loài P. heterotremus.
Sán lá phổi đẻ trứng, trứng theo đờm xuống họng ra ngoài môi trường hoặc theo phân khi nuốt đờm. Trứng rơi xuống nước, nở ra ấu trùng lông (miracidium), chui vào ốc phát triển thành ấu trùng đuôi (cercaria), ấu trùng đuôi rời ốc chui vào tôm cua nước ngọt tạo nang ở tổ chức và phủ tạng (ấu trùng nang-metacercaria).
Khi con người hay súc vật ăn phải tôm, cua có ấu trùng sán lá phổi chưa nấu chín, ấu trùng sán vào dạ dày và ruột (ấu trùng thoát nang ở tá tràng), xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng rồi xuyên qua cơ hoành và màng phổi vào nhu mô phổi rồi làm tổ ở đó, một số ít cư trú tại tim, phúc mạc, gan, thận, dưới da, ruột, não ….
Sán chủ yếu ký sinh trong phổi, làm nang trong tiểu phế quản nhỏ của phổi người hay súc vật, trong mỗi nang hầu hết có 2 con và dịch mủ màu đỏ, xung quanh có mạch máu tân tạo. Trứng sán có màu nâu sẫm, hình bầu dục, bên trong có chứa phôi.
Như vậy, có thể nói, không chỉ có cua mới nhiễm sán lá phổi mà nếu thói quen ăn tái sống ốc, tôm chưa nấu chín.. đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.
Dấu hiệu nhận biết sán lá phổi
Sán lá phổi trưởng thành dài 8-16 mm, sán trưởng thành đẻ trứng ở những phế quản, trứng sán được tống xuất ra ngoài theo đờm do bệnh nhân khạc nhổ ra môi trường chung quanh và tiếp tục phát triển ở các vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc, cua, tôm. Trứng sán sau một thời gian ở dưới nước, sẽ phát triển thành ấu trùng lông.
Ấu trùng lông sau khi ra khỏi trứng tìm đến những loại ốc để ký sinh. Sau khi xâm nhập vào ốc, ấu trùng lông phát triển thành bào ấu rồi trở thành những ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi có một bộ phận nhọn ở phía đầu và có thể bơi trong nước để tìm đến ký sinh ở những loại cua và tôm nước ngọt là vật chủ trung gian thứ hai của sán lá phổi.
Ở cua, tôm, ấu trùng sán lá phổi ký sinh dưới dạng nang trùng, nếu người ăn phải cua, tôm nướng, chưa được nấu chín, có nang trùng sán lá phổi, nang trùng sẽ tới ruột non, chui qua ống tiêu hóa tới xoang bụng, ở lại xoang bụng khoảng 30 ngày và sau đó đi xuyên qua màng phổi từng đôi một, phát triển lớn lên thành sán trưởng thành ký sinh ở phổi.
Ở giai đoạn sớm (Giai đoạn sớm tính từ khi nhiễm cho đến khi sán đẻ trứng đầu tiên, trung bình 2-20 ngày, có thể kéo dài đến 2 tháng).
+ Trong thời gian ấu trùng di trú trong khoang phúc mạc, một số bệnh nhân thấy đau bụng hay đau thượng vị, thậm chí có thể có tiêu chảy.
+ Khi ấu trùng xuyên qua cơ hoành và di trú trong khoang màng phổi, có thể có đau ngực kiểu màng phổi (thường là hai bên).
+ Bệnh nhân ho khan, đau ngực và khó chịu. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm sốt nhẹ và đờm có dây máu.
Ở giai đoạn muộn (Giai đoạn thứ hai của nhiễm sán lá phổi là thời gian sán trưởng thành sống ở phổi. Giai đoạn này có thể kéo dài tới mười năm trước khi sán chết dần)
+ Người bệnh có biểu hiện ho máu tái diễn là triệu chứng hay gặp nhất trong giai đoạn này. Điển hình thì chất đờm có màu sô-cô-la, bao gồm hỗn hợp máu, tế bào viêm và trứng sán phóng ra khi nang bao quanh sán trưởng thành vỡ vào tiểu phế quản.
+ Bệnh nhân có thể khó chịu nhưng nói chung không sốt.
+ Người gầy sút, kém ăn … và ho máu tái diễn các lần sau nếu không được phát hiện và điều trị
Để chẩn đoán xác định nhiễm sán lá phổi tiêu chuẩn "vàng" là thấy trứng sán trong đờm hoặc dịch màng phổi hoặc trong phân, tuy tỷ lệ tìm thấy trứng sán trong đờm chỉ 40%, thậm chí còn thấp hơn nữa. Do vậy cần tiến hành xét nghiệm nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, đặc biệt khi ho ra máu. Thu thập đờm 24 giờ tăng cường độ nhạy của việc phát hiện trứng sán.
Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp khác để chẩn đoán gồm như; Xét nghiệm dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch não tủy để tìm trứng sán lá phổi tương tự như xét nghiệm đờm…
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng bệnh sán lá phổi, không được ăn đồ tái sống nhất là cua hoặc tôm, ốc chưa nấu chín. Đối với bệnh nhân cần điều trị tích cực, quản lý chặt chẽ và xử lý tốt đờm, phân do người bệnh thải ra để ngăn chận mầm bệnh lây lan cho cộng đồng chung quanh.
Ở một số nơi, vẫn có thói quen ăn đồ tái sống điều này không chỉ gây nhiễm sán lá phổi mà còn có thể mắc các bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, tốt nhất hãy sử dụng các thực phẩm được nấu chín kỹ, đảm bảo vệ sinh hoặc thực phẩm sạch đã được kiểm định và có dấu kiểm duyệt.
Năm 1995 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo bệnh sán lá phổi có ở 39 nước với trên 22 triệu người nhiễm. Những loài kí sinh ở người còn có thể kí sinh ở chó, mèo, hổ, báo, cáo, chồn... Trong chu kì sống của sán lá phổi chúng phát triển qua vật chủ trung gian là ốc và tôm cua nước ngọt: có tới 53 loài trong 21 giống tôm, cua và 40 loài ốc nước ngọt là vật chủ trung gian sán lá phổi.
Bệnh cũng được ghi nhận ở khắp khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng trong số đó. Loại kí sinh trùng này chủ yếu kí sinh trên tôm, cua. Có khoảng hơn 80% các loài cua nước ngọt tại Châu Á nhiễm loại kí sinh trùng này. Trong khi đó, người Việt Nam, nhất là khu vực Bắc Bộ lại có các món ăn cua đồng và cua được bắt trong rừng khá phổ biến. Các món canh cua rau đay, bánh canh cua, bún riêu,… cũng nằm trong số này.
Tại Việt Nam:
Ca bệnh sán lá phổi đầu tiên được Monzel phát hiện ở Việt Nam năm 1906 tại huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau đó, Salomon và Neveu phát hiện thêm một số trường hợp sán lá phổi ở vùng Trung Bộ.
Sau đó theo điều tra các tỉnh có số ca mắc cao nhất là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Nghệ An; có nơi tỷ lệ nhiễm tới 15 % (Sơn La).