Phòng khám Tiết niệu – Nam khoa (Bệnh viện 19-8) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 29 tuổi có tinh toàn trái sưng to, cứng, áp xe hóa hoại tử mất chức năng. Qua khai thác bệnh nhân cho biết đã gặp tình trạng đau tức vùng bìu tinh hoàn trái từ lâu nhưng chủ quan không đi khám. Khoảng 4 tuần trước tình trạng đau nặng lên nên có tới một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán viêm tinh hoàn trái. Bệnh nhân có điều trị nhưng tình trạng không cải thiện.
ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện 19-8 cho biết, sau khi thăm khám và chẩn đoán, bệnh nhân được chỉ định cắt tinh hoàn trái. Kết quả giải phẫu là u tế bào mầm tinh hoàn trái. Bệnh có thể được diễn tiến từ viêm tinh hoàn dẫn tới áp xe tinh hoàn và gây ung thư hóa. Đây là trường hợp rất đáng tiếc khi bệnh nhân chuẩn bị kết hôn.
"Nam giới không nên chủ quan với tình trạng đau tinh hoàn, khi có dấu hiệu đau tinh hoàn cần tới cơ sở y tế để chuyên khoa uy tín để được thăm khám sớm"- ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thàn khuyến cáo.
BS. Nguyễn Trần Thành chia sẻ thêm, ung thư tinh hoàn là tình trạng các tế bào ung thư phát triển một cách bất thường ở nhu mô tinh hoàn. Khối u có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn. Thông thường ở giai đoạn sớm khối u có kích thước khá nhỏ sau đó lớn dần và xâm lấn toàn bộ tinh hoàn.
Ung thư tinh hoàn có biểu hiện gì?
Ung thư tinh hoàn chia làm 2 giai đoạn, ở giai đoạn sớm bệnh không có biểu hiện gì bất thường. Giai đoạn này chỉ có thể phát hiện bệnh qua thăm khám, siêu âm sức khỏe sinh sản. Nếu phát hiện bất thường tại nhu mô tinh hoàn, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết để chẩn đoán.
Ở giai đoạn muộn, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như:
- Người mệt mỏi
- Có thể sốt nhẹ khoảng 37,5 đến 38,5 độ C
- Sút cân không rõ lý do
Các biểu hiện ở vùng sinh dục như:
- Sờ thấy khối u bất thường ở tinh hoàn ấn vào có cảm giác đau tức khó chịu
- Một hoặc hai bên tinh hoàn to hơn bình thường
- Cảm giác đau lan theo dây thần kinh tới vùng tầng sinh môn, vùng bẹn bìu
- Trong trường hợp đã di căn sẽ có biểu hiện tại những vùng di căn như xương, phổi, gan, ổ bụng…
- Xét nghiệm máu có kết quả chỉ số ung thư tăng cao hoặc siêu âm có những khối u tại một hoặc hai bên tinh hoàn biểu hiện tăng sinh mạch.
Phòng ngừa ung thư tinh hoàn
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, nam giới nên duy trì các thói quen, lối sống lành mạnh như:
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tăng cường đồ ăn chứa nhiều chất xơ, rau củ quả và hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, đường, muối.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
- Hằng ngày khi vệ sinh cơ quan sinh dục có thể tự kiểm tra bằng tay để phát hiện các bất thường.
- Tránh tiếp xúc với các loại chất độc hại, hóa chất công nghiệp.
Xem thêm video được quan tâm:
Bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu của ung thư tinh hoàn