BS.CKII Trương Ngọc Trung - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, mỗi ngày khoa có gần 20 trường hợp mắc uốn ván. Hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn và không có bảo hiểm.
Hiện tại, khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn đang điều trị cho một bệnh nhân nam, 23 tuổi, người gốc Campuchia bị uốn ván. Trước đó, bệnh nhân bị xe máy cán qua, nát mu bàn chân, được bệnh viện tuyến dưới ở An Giang chuyển lên. Bệnh nhân bị tiêu cơ vân và suy thận cấp, đang điều trị tại viện ngày thứ 12. Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được mở khí quản, thở oxy, an thần, giãn cơ, điều trị lọc máu nhiều đợt.
"Thường các trường hợp uốn ván điều trị thành công đến hơn 90% (90-95%), khả năng hồi phục khá tốt, tuy nhiên chi phí điều trị khá cao tạo gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình. Tổng chi phí hiện tại sau 10 ngày điều trị của bệnh nhân là 150 triệu. Bệnh nhân vẫn phải tiếp tục lọc máu và điều trị khoảng 3 tuần nữa. Như vậy, chi phí dự kiến phải tăng thêm 200 triệu đồng, tổng chi phí sẽ đến 350 triệu. Trong khi đó, gia cảnh của bệnh nhân khó khăn, bệnh nhân không có bảo hiểm", bác sĩ Trương Ngọc Trung chia sẻ.
Đây chỉ là một bệnh nhân trong số rất nhiều bệnh nhân bị uốn ván điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM không có bảo hiểm y tế. Hiện tại, Khoa Chống độc người lớn, Bệnh viện đang điều trị cho 20 bệnh nhân trong đó có đến 15 ca uốn ván nặng phải thở máy, các ca nhẹ hơn sẽ nằm ở khoa Nhiễm C.
Được biết, bệnh nhân uốn ván được bảo hiểm y tế chi trả khoảng 80% viện phí, 20% còn lại bệnh viện chi trả cùng người bệnh. Các trường hợp nằm điều trị uốn ván ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thường nằm điều trị trên dưới 3 tuần. Bác sĩ Ngọc Trung cho hay, bên cạnh việc phải mở khí quản để thở máy, bệnh nhân còn kèm theo tình trạng nhiễm trùng, chi phí kèm theo khoảng 40-150 triệu/trường hợp nếu không có bảo hiểm y tế.
Bệnh nhân bị uốn ván thường là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hầu như không có bảo hiểm y tế nên là gánh nặng cho bệnh viện, các bác sĩ phải kêu gọi sự tài trợ từ các mạnh thường quân để điều trị cho các bệnh nhân uốn ván của mình.
Cũng theo Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người mắc bệnh uốn ván thường là người trung tuổi trở lên (do người trẻ được tiêm vaccine phòng uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng nên hiếm khi bị).
Trong khi đó, người lớn tuổi không được chích ngừa vaccine phòng uốn ván hoặc không chích nhắc đầy đủ nên khả năng bảo vệ giảm theo thời gian. Khi bị uốn ván cộng với có tuổi, bệnh nhân thường có bệnh nền nên diễn biến thường phức tạp, kéo theo thời gian điều trị nằm viện kéo dài, chi phí gia tăng.
Theo bác sĩ, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh (đặc biệt là nạo thai lậu).
Sau khi nha bào vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, thường là qua các vết thương, vi khuẩn sẽ phóng thích ra các độc tố uốn ván, các độc tố này xâm nhập vào các sợi trục thần kinh rồi di chuyển ngược dòng từ hệ thần kinh ngoại vi vào đến trung ương, gây tình trạng tăng trương lực cơ hay co cứng cơ gây đau, thường khởi đầu với cứng cơ nhai, sau đó cứng cơ cổ, lưng, bụng và toàn thân. Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở…
"Uốn ván không ngoại trừ một ai, dịch tễ uốn ván dường như chỗ nào cũng có và nha bào uốn ván tồn tại được trong các môi trường rất khắc nghiệt (như nhiệt độ cao, ánh sáng khô….) cho nên việc xử lý vết thương là phải trên diện rộng, không chú trọng trên một loại đối tượng nào cả", bác sĩ Trương Ngọc Trung cho hay.
Thực tế cho thấy, tuy rất nguy hiểm và gây thách thức trong điều trị, uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm ngừa vaccine đầy đủ, trong đó quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, trước khi bị vết thương. Vaccine uốn ván có hiệu lực 10-15 năm, khi bị mắc uốn ván vẫn có thể tiêm vaccine để bệnh nhẹ đi. Việc tiêm ngừa vaccine uốn ván bắt buộc phải đầy đủ, theo đúng lịch hẹn (tối thiểu 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng) và nhắc lại mỗi 5 – 10 năm sau đó sẽ giúp tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván.
Phụ nữ có bầu cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vaccine có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con.
Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vaccine đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh.
Bác sĩ lưu ý tránh tuyệt đối tình trạng tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh và đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.
"Mọi người có thể phòng ngừa bệnh uốn ván bằng cách tiêm vaccine uốn ván để tạo miễn dịch bảo vệ chủ động đồng thời nên tham gia bảo hiểm y tế để khi mắc bệnh nặng được bảo hiểm hỗ trợ chi trả, giảm gánh nặng tài chính", bác sĩ Trương Ngọc Trung khuyến cáo.