Nấm tai làm giảm sức nghe và có thể gây điếc, bạn có biết?

10-07-2012 13:26 | Bệnh thường gặp
google news

Nếu bị nấm tai hay khi có dâu hiệu bất thường ở tai cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh làm lây lan nấm sang bộ phận khác

(SKDS) - Nấm ống tai là bệnh khá phổ biến hiện nay, chiếm 10% trong số những bệnh nhân bị viêm ống tai, đặc biệt ở trẻ em do ống tai ngoài nhỏ, có nhiều lông và dịch nhầy, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Thêm vào đó là khí hậu ẩm thấp, điều kiện vệ sinh kém như ở Việt Nam dễ có cơ hội cho các loại nấm gây bệnh phát triển. Bệnh đặc biệt dễ xuất hiện vào mùa hè.

Bệnh viêm ống tai ngoài do nấm (otomycosis) có thể tiến triển mạn tính hoặc bán cấp tính và thường đi theo sau viêm tai do nhiễm khuẩn. Bệnh hay gặp do những loại nấm cơ hội như: Aspergillus niger, Candida, Mucoracae, Dermatophytes, và Actinomyces.

Lấy ráy tai sinh nấm trong tai

Nguyên nhân hay gặp nhất là do dùng các dụng cụ để ngoáy tai, lấy ráy tai không sạch, bệnh nhân đang mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, các nhiễm khuẩn tại chỗ khác kết hợp, chàm ống tai, dùng kháng sinh nhỏ tai kéo dài, sau khi bị chấn thương hoặc thường xuyên tắm ở các bể bơi không đảm bảo vệ sinh thì không chỉ mắc nấm ở tai mà còn có thể mắc các bệnh lý ngoài da khác...
Các loại nấm này đều có thể mọc được ở tai do môi trường ống tai rất ẩm ướt. Nếu một nơi nào đó trên cơ thể mắc nấm đều có nguy cơ lây nhiễm đến tai do tay người bệnh. Người ta thường gặp nấm ống tai ở những phụ nữ mắc nấm âm đạo, không được điều trị. Nhiều trường hợp không để ý đến điều này và bất ngờ khi bị nấm tai do lây nhiễm chéo từ nấm âm đạo.

Tổn thương tai do nấm biểu hiện thế nào?

Tổn thương do nấm gây nên tại tai thường khu trú ở ống tai ngoài hoặc vành tai. Biểu hiện đầu tiên của bệnh nấm ống tai ngoài là cảm giác ngứa trong ống tai, ngứa tăng dần làm bệnh nhân phải ngoáy tai liên tục, càng ngoáy càng ngứa. Rất ít bệnh nhân đến khám và chữa ở giai đoạn này.

Hình ảnh nấm ống tai qua nội soi.

Sau 1 - 2 ngày, bệnh nhân bắt đầu thấy đau tai, đau tăng lên khi nhai hoặc ngáp. Tai thấy nặng, cảm giác đầy tức trong tai đồng thời nghe kém hơn hẳn tai bên lành hoặc nếu bị cả hai tai thì sức nghe giảm sút, lúc nào cũng như có tiếng gió thổi ù ù trong tai đồng thời có dịch chảy ra ngoài cửa tai màu trắng, vàng, hoặc màu nâu bẩn. Bệnh nhân không thể chịu được nữa mới đến gặp thầy thuốc.

Khám tai thấy một số vảy, mảnh vụn hình thành ở trong ống tai ngoài và vành tai. Ống tai ngoài bị lấp đầy bởi những mảng màu xám, đen hoặc trắng. Quan sát ở mặt trên những mảng này, các sợi bào tử nấm mọc trông như đám mạ. Các mảng này có mùi hôi rất khó chịu. Bóc lấy một phần của mảng bám đem đi soi tươi và nuôi cấy để chẩn đoán xác định loại nấm gây bệnh.

Nấm cơ hội Aspergillus niger gây bệnh nấm ống tai.

Điều trị nấm tai chủ yếu bằng

nội khoa

Các thuốc sử dụng để điều trị chủ yếu là thuốc kháng sinh chống nấm dạng uống và bôi tại chỗ, tùy theo từng loại nấm. Tuy nhiên người bệnh có tiền sử viêm tai giữa có thủng màng nhĩ hoặc vừa viêm tai vừa bị nấm thì phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc chống nấm dạng bôi.

Khi bị nấm ống tai ngoài, cần làm sạch ống tai bằng dung dịch acid acetic 2%, có thể kết hợp với muối nhôm hoặc muối cacbonat canxi (dung dịch Burow). Sau đó sử dụng thuốc chống nấm tại chỗ như m-cresyl-acetat, aluminum acetat (dung dịch Burow), tolnaftat, clotrimazole, nystatin và một số dung dịch vệ sinh tại chỗ.

Biện pháp cần thực hiện để tránh nấm trong tai

Tuyệt đối không ngoáy tai bằng những dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; không để thợ cắt tóc lấy ráy tai hoặc làm vệ sinh tai. Mọi người quan điểm ráy tai là bẩn nên cố lấy cho bằng hết mà không biết rằng ráy tai cũng đóng vai trò đáng kể trong việc bảo vệ thành ống tai, trừ trường hợp ráy quá nhiều ảnh hưởng đến sức nghe.

Ngoài tình trạng nấm trong tai còn có thể gặp các bệnh nấm ở họng, nấm mũi, mắt... gây ngứa, hắt hơi, sổ mũi, thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là vi khuẩn và virut đường hô hấp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Để phòng bệnh nấm tai, phải vệ sinh tai hằng ngày, đặc biệt là sau khi tắm, bơi. Mọi người không nên lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc gội đầu. Nếu bị nấm ở một bộ phận nào trên cơ thể thì cần phải điều trị dứt điểm, tránh lây nhiễm sang nhiều vị trí khác trên người và tai. Khi có dấu hiệu lâm sàng bất thường ở tai cần đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời. Những người có tiền sử viêm tai cố gắng tránh nước vào tai, có thể sử dụng bông y tế để nút tai khi bơi.

TS. Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn