Nam sinh trường Y và những bài báo quốc tế

23-06-2023 14:41 | Xã hội

SKĐS - Bên cạnh những kiến thức lâm sàng trên bệnh viện, Hiếu dành nhiều thời gian để đọc tài liệu nước ngoài, tham gia nghiên cứu khoa học bằng những bài báo ISI trên các tạp chí y khoa tầm cỡ.

Sở hữu 2 bài báo quốc tế (chỉ số Q1) cùng nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước, Lê Thọ Minh Hiếu (sinh viên năm 4 ngành Y đa khoa – Khoa Y dược, ĐH Đà Nẵng) đang sở hữu một thành tích nghiên cứu khoa học đáng nể. Tất cả xuất phát từ tình yêu đặc biệt của nam sinh ngành y với những bệnh nhi và màu áo blouse trắng.

Những nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa quốc tế

Sinh ra, lớn lên ở vùng quê Quế Sơn (Quảng Nam), từ nhỏ, Hiếu đã dành một tình cảm đặc biệt với các y, bác sĩ. Đam mê và mong ước được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng cùng tai nghe đeo ở cổ, cậu bé miền quê nghèo đã không ngừng nỗ lực học tập để đạt ước mơ bước chân vào giảng đường trường Y.

Nam sinh trường Y và những bài báo quốc tế - Ảnh 1.

Lê Thị Minh Hiếu (ngoài cùng bên phải) nhận các giải thưởng về nghiên cứu khoa học. Ảnh: NVCC

Hiếu tâm sự rằng, sinh viên ngành Y khi học đến năm thứ tư, phần kiến thức sẽ thêm nặng, bên cạnh đó là thời gian lâm sàng ở bệnh viện cũng "ngốn" nhiều thời gian. Nhưng dù có bận rộn đến đâu, Hiếu vẫn tập cho mình thói quen đọc báo (các tạp chí y khoa nước ngoài), thu thập thông tin để "lấn sân" sang mảng nghiên cứu.

Hiếu cho biết: "Bắt đầu từ năm thứ hai, em mới có những bước đi chập chững, làm quen với nghiên cứu khoa học. Bởi với một bác sĩ, ngoài những kiến thức, kỹ năng chữa bệnh thì cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu, đột phá để mang đến những lợi ích tốt nhất cho người bệnh".

Hiếu chia sẻ thêm, ngày đó, em được TS.BS Hoàng Thị Nam Giang (Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trưởng Bộ môn Y tế công cộng - Dịch tễ học Lâm sàng thuộc Khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng) hướng dẫn làm các đề tài đầu tiên.

"Ban đầu, em chỉ làm 1-2 đề tài nghiên cứu cấp trường. Rồi chính những kiến thức, những tài liệu mình tìm hiểu, thu thập được đã khiến em đam mê hơn với những công trình nghiên cứu. Mỗi lần hoàn thành một đề tài, em lại có thêm động lực, nguồn động viên để làm những đề tài cấp cao hơn.

Ngày đầu mới làm, em cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chưa biết lấy số liệu, có lấy được về rồi thì không biết phải phân tích, nghiên cứu ra sao. Nhưng nhờ sự dìu dắt của các thầy cô mà nhiều đề tài đã 'cán đích' thành công", Hiếu vui vẻ nói.

Lật giở những tấm bằng khen, những bài báo chuyên ngành được Hiếu photo và cất trang trọng trên góc tủ, nam sinh nhớ lại những ngày lăn lộn làm đề tài nghiên cứu trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. 

"Khi mới bắt tay vào đề tài nghiên cứu cấp trường thì TP.Đà Nẵng bị phong tỏa, việc lấy số liệu càng trở nên khó khăn. Nhưng cũng chính dịch bệnh đã khiến em đến với đề tài nghiên cứu 'tỷ lệ sinh trầm cảm của sinh viên hậu Covid-19'. Đề tài này đã giúp em vào vòng chung kết thứ nhất Eureka 2021-2022. 

Ngày đó, em còn viết bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế xoay quanh vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó phân tích tỷ lệ bú sữa mẹ trong 6-24 tháng như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm sinh mổ. Phân tích chương trình chăm sóc da kề da tại bệnh viện như thế nào…", Hiếu tâm sự.

Nam sinh trường Y và những bài báo quốc tế - Ảnh 2.

Lê Thọ Minh Hiếu (ngoài cùng bên trái) trình bày về kết quả nghiên cứu của mình.

Những đề tài nghiên cứu trong mùa dịch của Hiếu đã đạt giải nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Y Dược, giải khuyến khích của Đại học Đà Nẵng về sinh viên Nghiên cứu khoa học 2022.

Khi đã có "điểm tựa" trong nước, Hiếu dần đưa công trình nghiên cứu của mình và các bạn trong nhóm gửi đến các tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới (được xếp hạng Q1). Hai bài báo có chỉ số Q1 là thành quả của nhóm nghiên cứu đã được các nhà khoa học hàng đầu về Y khoa đón nhận, biên tập và đăng tải.

Tình yêu với những em nhỏ "thắp lửa" cho những nghiên cứu hướng về các bệnh nhi

Những công trình nghiên cứu gần đây của Hiếu đều hướng đến các bệnh nhi, những đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh. Bởi không chỉ theo chuyên khoa nhi mà Hiếu tâm sự rằng, bản thân là người yêu mến trẻ nhỏ.

"Lâu nay, những đề tài liên quan đến dịch tễ và nhi khoa rất ít người tham gia nghiên cứu. Khi khảo sát về quần thể cộng đồng, cả nhóm đều trăn trở trước tỷ lệ trẻ em được chăm sóc da kề da và bú mẹ trong 6 tháng đầu thấp hơn so với các nước trên thế giới.

Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Theo khuyến cáo của WHO, sữa mẹ rất tốt cho trẻ nhưng nhiều bà mẹ chưa có kiến thức, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc này. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bú mẹ có chỉ số IQ cao hơn so với không bú mẹ", Hiếu nói.

Nam sinh trường Y và những bài báo quốc tế - Ảnh 3.

Nam sinh trường Y có tình cảm đặc biệt với các em nhỏ. Ảnh: NTT

Nam sinh năm 4 cũng chia sẻ rằng, khi chọn theo con đường nghiên cứu đã giúp Hiếu thay đổi bản thân rất nhiều. Đó là cách làm việc khoa học khi vừa học vừa nghiên cứu (sắp xếp lại thời gian biểu), giúp cải thiện tiếng Anh bằng việc đọc báo và các kỹ năng bằng tiếng Anh, giúp cải thiện kỹ năng làm việc nhóm…

Không chỉ giỏi nghiên cứu khoa học, Hiếu còn có thành tích học tập đáng nể khi liên tiếp nhiều năm liền giành các học bổng của Khoa. "Mong muốn của em sẽ trở thành 1 bác sĩ chuyên khoa nhi vừa giỏi về lâm sàng vừa giỏi về nghiên cứu khoa học. Hiện em đang làm đề tài nghiên cứu về triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài trên bệnh nhân. Đề tài này làm cùng Thạc sĩ BS CK2 Nguyễn Hứa Quang (trưởng khoa Hô Hấp – Bệnh viện Đà Nẵng). Đề tài này gần xong và em đang gửi báo", Hiếu cho hay.


Tấn Tài
Ý kiến của bạn