"Việc giành thủ khoa của kỳ thi đối với em là điều hoàn toàn bất ngờ. Em nghĩ kỳ thi này quy tụ rất nhiều học sinh giỏi đến từ cả nước và cơ hội để giành vị trí cao nhất không nhiều. Nên em thực sự vui mừng với kết quả đã đạt được", Khang nói.
Với hơn 5.859 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 53,06. Top 3 thí sinh dự thi đạt từ 90 điểm trở lên 'gọi tên' các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình. Ngoài ra còn có 28 thí sinh đạt trên 80 điểm, 274 thí sinh đạt trên 70 điểm. Khang chắc suất trúng tuyển ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó, cậu học sinh trường huyện này đã 3 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Khang còn đạt cú đúp tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 với giải Nhì cả hai môn Toán và Vật lý. Với danh hiệu học sinh giỏi, em đã có nhiều cơ hội để xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu theo diện tài năng. Tuy nhiên, em vẫn muốn thử sức ở Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa bởi em không muốn mình bị lỡ cơ hội vào Khoa học máy tính – ngành học "hot" nhất của nhà trường.
Khang bắt đầu đặt mục tiêu cho kỳ thi đánh giá tư duy từ đầu lớp 12. Hành trang để em vững tin đến với kỳ thi này không chỉ là kiến thức tích lũy trong 3 năm THPT mà còn bao gồm rất nhiều kiến thức khác, thậm chí là từ bậc THCS và từ thực tế.
Điều đặc biệt ở Lê Viết Khang là dù giành vị trí Thủ khoa, em không tham gia bất cứ khóa học thêm nào. Thay vào đó, em tìm kiếm các nguồn đề thi từ bạn bè và từ mạng xã hội. Những phần nào chưa hiểu, em hỏi thêm thầy cô để được hỗ trợ. Trước kỳ thi thật, Khang cũng đăng ký tham gia một số kỳ thi thử trên mạng để kiểm tra lại năng lực của mình.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy trên máy tính. Thí sinh làm bài trắc nghiệm trong 150 phút, trong đó phần tư duy Toán học 60 phút, Đọc hiểu 30 phút và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề 60 phút. Các câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với ba mức tái hiện, suy luận và bậc cao.
Khang cho biết, bài thi đánh giá tư duy tập trung chính vào 4 môn Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Với môn Toán, đề thi có khá nhiều bài khó, trong khi các môn còn lại thiên về ứng dụng thực tế. Vì thế, buộc em phải nắm vững các kiến thức cơ bản và ôn tập, luyện đề như kỳ thi tốt nghiệp.
"Cả ba phần có độ khó như nhau", Khang chia sẻ. Nam sinh cho rằng, nhờ nắm chắc kiến thức nền tảng, em không gặp nhiều khó khăn khi giải quyết các phần thi này.
Nhiều năm ôn thi cho học sinh lớp 12, vừa là giáo viên dạy Toán, vừa là chủ nhiệm của Khang, thầy Đậu Huy Lâm cho biết: "Với nhiều học sinh, đặc biệt là những em ở xa trung tâm như trường chúng tôi, việc tiếp cận với kỳ thi đánh giá tư duy còn gặp nhiều khó khăn. Các nguồn tư liệu các em có được chủ yếu qua trao đổi hoặc tự tìm kiếm trên mạng. Về phía các giáo viên, để giúp học sinh tiếp cận với kỳ thi này, chúng tôi cũng phải tự tìm kiếm và cung cấp tư liệu, các đề thi thử cho các em. Khi các em cần tư vấn, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ".
Thầy Đậu Huy Lâm tự hào về học trò: "Tôi vỡ òa khi biết Khang là thủ khoa. Khang là cậu học trò thông minh, chúng tôi đánh giá cao Khang ở sự chỉn chu, nghiêm túc trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Năm học vừa qua, Khang chưa từng bỏ bất cứ một tiết học, một môn học nào, kể cả những môn xã hội em không thi tốt nghiệp. Trong quá trình học, em là một học sinh cầu thị, khiêm tốn và hết sức cẩn thận, học đều tất cả các môn", thầy Lâm nói.
Còn Khang thì cho rằng việc học "trường làng" lại là một may mắn. Tại đây, Khang học đều các môn thay vì chỉ tập trung vào 1-2 môn mũi nhọn. Điều này giúp em có nền tảng tốt ở hầu hết các môn.
Đối với kỳ thi đánh giá tư duy năng lực, Khang chia sẻ kinh nghiệm với các thí sinh sắp thi và học sinh khóa sau rằng cần tạo tâm lý thoải mái khi làm bài thi, không quá lo lắng để tránh tạo áp lực cho bản thân. Thay vì cố nhồi nhét kiến thức, Khang cho rằng phải nắm vững các kiến thức cơ bản, ôn tập và luyện đề như kỳ thi tốt nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình học, cần đọc sách báo nhiều để cập nhật thông tin và kiến thức xã hội.
Với 94,22 điểm thi đánh giá tư duy, Khang đang gần chạm đến ước mơ của mình, không còn áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra cuối tháng 6. "Dù vậy, em vẫn hy vọng đạt kết quả tốt ở kỳ thi này. Em cũng muốn dành tặng món quà này cho bố mẹ, đang làm lao động tự do và ngày trước không có nhiều điều kiện để học hành. Em sẽ không ngừng cố gắng học tập, không phụ lòng tin của bố mẹ, của thầy cô và đó là con đường ngắn nhất để em có thể thành công trong tương lai", Khang nói.