Hà Nội

Nam sinh đột ngột đau bìu dữ dội, đến viện tinh hoàn đã tím đen

19-08-2023 07:02 | Giới tính

SKĐS - Nhiều trường hợp bị xoắn tinh hoàn ở độ tuổi dậy thì từ 12 đến 18, nhưng xoắn tinh hoàn có thể xảy ra với nam giới mọi lứa tuổi. Xoắn tinh hoàn có thể diễn ra đột ngột khi đang ngủ, đang ngồi chơi...

1. Đau bìu dữ dội đột ngột vào ban đêm hoặc rạng sáng – nguy cơ xoắn tinh hoàn

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa phẫu thuật bảo tồn được tinh hoàn đã tím đen cho nam sinh bị xoắn 1,5 vòng ở gốc. Em Nguyễn Minh H. 15 tuổi, đột ngột xuất hiện đau vùng bìu trái, đau nhói liên tục lúc 6h sáng, khiến em rất khó chịu và không ăn uống được gì. Đến 8h30, cơn đau bìu càng ngày tăng lên dữ dội, H. được bố mẹ đưa đến khám tại nơi gần nhà nhất là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Sau thăm khám, bác sĩ nam khoa nhận định đây là trường hợp xoắn tinh hoàn với các đặc điểm triệu chứng khởi phát đột ngột, tinh hoàn treo cao, ấn có điểm đau chói. Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu tối khẩn cấp, khi thừng tinh bị xoắn quanh trục dẫn đến thiếu cấp máu cho tinh hoàn dẫn đến hoại tử nếu không được xử lý kịp thời.

Rất may mắn, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm và với chẩn đoán chính xác của bác sĩ nên bệnh nhân được phẫu thuật kịp thời, bảo tồn được tinh hoàn khi mà tinh hoàn trái tím đen, nguyên nhân do thừng tinh xoắn 1,5 vòng ở gốc. Kíp mổ tiến hành tháo xoắn, ủ bằng huyết thanh ấm, phong bế thừng tinh, 20 phút sau đó tinh hoàn hồng trở lại và được cố định trở lại vào khoang bìu.

Nam sinh đột ngột đau bìu dữ dội, đến viện tinh hoàn đã tím đen - Ảnh 2.

Ca phẫu thuật thành công cho trường hợp xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Thời gian trước, Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) cũng tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên 18 tuổi, ở Hà Nội, đến khám cấp cứu vì đau tức tinh hoàn rất nhiều. Bệnh nhân cho biết khi đang ngủ thì đột ngột thấy đau tức tinh hoàn rồi tỉnh giấc. Do bệnh nhân từng tự tìm hiểu về biểu hiện đau đột ngột có nguy cơ đã bị xoắn tinh hoàn và cần phải tháo xoắn cấp cứu nên ngay lập tức người bệnh đã đến khám tại Bệnh viện Việt Đức. Qua thăm khám kết hợp với hình ảnh siêu âm doppler tinh hoàn cho thấy cấu trúc tinh hoàn không đồng nhất, phù nề mào tinh, không thấy phổ doppler mạch.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo - Trung tâm Nam học đã xác định người bệnh bị xoắn tinh hoàn và tiến hành tháo xoắn bằng tay ngay trên bàn siêu âm cho người bệnh. Sau tháo xoắn, người bệnh đã đỡ đau tức, cấu trúc nhu mô tinh hoàn đồng nhất, mào tinh và tinh hoàn tăng tưới máu. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và chờ mổ cố định lại tinh hoàn tránh tái xoắn trở lại.

Tuy nhiên, không ít trường hợp kém may mắn do người bệnh đến viện quá muộn, quá thời gian vàng để bảo tồn tinh hoàn như trường hợp của nam thanh niên 18 tuổi ở Quảng Bình. Ngày 8/4/2023, các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã phải phẫu thuật loại bỏ một bên tinh hoàn do bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nghiêm trọng, không thể phục hồi do chủ quan nên đến viện muộn.

Nam sinh đột ngột đau bìu dữ dội, đến viện tinh hoàn đã tím đen - Ảnh 3.

Xoắn tinh hoàn có thể gây ra tổn thương không thể khắc phục cho tinh hoàn nếu không được điều trị trong vòng vài giờ.

2. Nguyên nhân xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Xoắn tinh hoàn xảy ra khi có sự xoắn của thừng tinh (dây chạy giữa tinh hoàn và lỗ mở ở mức bàng quang, chứa các mạch máu, ống sinh tinh và dây thần kinh). Xoắn này chặn lưu lượng máu đến tinh hoàn, có thể gây ra tổn thương không thể khắc phục cho tinh hoàn nếu không được điều trị trong vòng vài giờ. Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa. Sức khỏe của tinh hoàn có thể suy giảm đáng kể trong vòng 6 tiếng sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Một số bé trai có nhiều khả năng bị xoắn tinh hoàn do tinh hoàn bị lỏng lẻo bất thường trong bìu. Đây được gọi là dị dạng "quả lắc chuông" và chiếm 90% các trường hợp xoắn tinh hoàn. Không có cách nào chắc chắn để phát hiện trước biến dạng của quả lắc chuông. Xoắn tinh hoàn cũng có thể di truyền trong gia đình. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như sự phát triển nhanh chóng của tinh hoàn ở tuổi dậy thì cũng là một yếu tố nguy cơ.

3. Dấu hiệu và triệu chứng xoắn tinh hoàn

Theo ThS.BSNT Phùng Anh Tuấn, chuyên khoa Nam học, giảng viên Khoa Y, trường Đại học Phenikaa: Dấu hiệu xoắn tinh hoàn phổ biến nhất là đau đột ngột, dữ dội ở một bên bìu, một bên bìu trở nên to hơn nhanh chóng so với bên kia thì phải theo dõi, nhất là khi màu da bìu thay đổi, đặc biệt là màu đỏ hoặc sẫm màu, có thể kèm dấu hiệu buồn nôn và nôn.

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ví dụ như trong khi ngủ, nhất là ban đêm và rạng sáng thậm chí đang ngồi trên ghế, hoặc sau khi hoạt động và do chấn thương. Vì thế, khi có những triệu chứng, dấu hiệu nghi xoắn tinh hoàn cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.

Các triệu chứng sau đây có thể nghi ngờ xoắn tinh hoàn:

  • Đau ở tinh hoàn và/hoặc vùng bụng dưới cùng bên
  • Buồn nôn, nôn, chóng mặt

Các dấu hiệu bị xoắn tinh hoàn:

  • Đau hoặc sưng tinh hoàn
  • Một tinh hoàn nằm cao hơn trong bìu, hoặc một tinh hoàn nằm ngang chứ không phải theo chiều dọc
  • Đỏ và sưng da bìu
  • Khó chịu khi đi bộ hoặc ngồi
Nam sinh đột ngột đau bìu dữ dội, đến viện tinh hoàn đã tím đen - Ảnh 5.

Từ trái qua phải ảnh: Bình thường; Có nguy cơ; Xoắn tinh hoàn.

Khi có một vài trong số những triệu chứng nói trên, cha mẹ cần đưa trẻ nhỏ, nếu là thanh niên lớn cần chủ động yêu cầu người nhà đưa ngay vào cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Trường hợp xoắn tinh hoàn sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đến sớm bác sĩ có thể dùng tay tháo gỡ vòng xoắn và phẫu thuật cố định tinh hoàn tránh nguy cơ bị xoắn lại.

Nếu trong trường hợp bệnh nhân đến muộn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để kiểm tra tinh hoàn bệnh nhân, trường hợp tinh hoàn còn hồng thì sẽ tháo xoắn và cố định tinh hoàn; nếu tinh hoàn tím nhẹ bác sĩ sẽ tháo xoắn và hồi sức tinh hoàn để xem tinh hoàn có hồng trở lại không; còn nếu tinh hoàn bị tím đen hoại tử thì nguy cơ rất cao là phải cắt tinh hoàn.

ThS.BSNT Phùng Anh Tuấn khuyến cáo: Bất kỳ cơn đau tức, khó chịu nào ở tinh hoàn cũng cần được kiểm tra, thăm khám kịp thời để loại trừ xoắn tinh hoàn vì đây là một cấp cứu y tế khẩn cấp, do tất cả máu cho tinh hoàn đều đi qua thừng tinh nên nguồn cung cấp máu bị cắt đứt khi xoắn tinh hoàn. Khi đó, tinh hoàn sẽ co, teo lại nếu nguồn cung cấp máu không được nhanh chóng phục hồi trong vòng 6 tiếng.
"Yêu" rồi chia tay cả năm bỗng phát hiện mình bị giang mai'Yêu' rồi chia tay cả năm bỗng phát hiện mình bị giang mai

SKĐS - Chia tay bạn gái một năm, B. ngạc nhiên khi được chẩn đoán mình dương tính với giang mai khi chỉ có dấu hiệu đau đầu, đau chân là chính.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bác sĩ tư vấn về thời điểm nên cắt bao quy đầu.

Mai Thành
Ý kiến của bạn