Nấm phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

30-07-2023 06:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nấm phổi là một bệnh lý ít gặp, tuy nhiên bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây nấm phổi

Nấm phổi là bệnh do các vi nấm có mặt trong môi trường gây bệnh ở phổi. Nấm phổi có nhiều loại. Trong đó, thường gặp các loại vi nấm như nấm Candida, Aspergillus, Cryptococcus… gây bệnh nấm phổi ở người. Nấm phổi không phải là bệnh lây truyền. Nguyên nhân nhiễm nấm là do hít phải các bào tử nấm có trong không khí, nước...

Thông thường, nấm sẽ không phát triển và gây bệnh ở những cơ thể có sức đề kháng tốt, những người có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, khi cơ thể gặp những điều kiện bất lợi nấm sẽ phát triển và gây bệnh. Các trường hợp thường gặp bao gồm:

- Suy giảm miễn dịch

- Trên cơ địa bệnh nhân mắc những bệnh lý mạn tính về phổi như: Lao phổi, xẹp phổi mãn tính, giãn phế quản, giãn phế nang… Trên những nền bệnh nhân này, nấm thường phát triển và gây các bệnh như u nấm trên các nền nang lao cũ, nang áp xe, nang ung thư.

- Trên cơ địa bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính kéo dài như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý xương khớp, ung thư (đặc biệt là ung thư máu)… Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc gây suy giảm miễn dịch như corticoid.

BSCKII Nguyễn Văn Chiến giải đáp các dấu hiệu của bệnh nấm phổi.

Dấu hiệu mắc nấm phổi

Việc chẩn đoán nấm phổi có thể dựa vào dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng.

Dấu hiệu nấm phổi trên lâm sàng có thể chia làm 3 dấu hiệu chính:

- Các biểu hiện bệnh lý toàn thân: Bệnh nhân thường có biểu hiện giống với các bệnh lý hô hấp khác: ho, khạc đờm, đau tức ngực, khó thở… Bên cạnh đó bệnh nhân có hội chứng nhiễm trùng tương đối rõ, sốt cao (39-40 độ). Và tùy vào từng thể loại nấm mắc phải là Candida hay Aspergillus, Cryptococcus người bệnh sẽ kèm theo triệu chứng yếu tố thần kinh như đau đầu, trường hợp nặng có thể rối loạn ý thức.

- Các dấu hiệu liên quan đến triệu chứng của phổi. Tùy vào loại nấm, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu dị ứng do nấm và triệu chứng gần giống với bệnh hen. Ví dụ nếu như nhiễm nấm Aspergillus, bệnh nhân sẽ có biểu hiện co thắt phế quản. Nếu là nấm gây ra tình trạng u nấm thường sẽ có biểu hiện ho ra máu.

- Các biểu hiện toàn thân của bệnh nhân phụ thuộc vào loại nấm. Ví dụ như khi nhiễm nấm men Candida sẽ biểu hiện tổn thương ở miệng, lưỡi, họng hoặc phế quản. Bệnh nhân có thể không ăn uống được. Nếu tình trạng nhiễm trùng toàn thân nặng lên, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu suy kiệt toàn thân, thiếu máu.

Nấm phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Bệnh nấm phổi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50-70%.

Do các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu vì vậy căn cứ vào lâm sàng để đánh giá bệnh có hiệu quả không cao. Người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác như lao. Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, các bác sĩ cần thông qua các xét nghiệm để phát hiện ra nấm như: Nội soi vi khuẩn, vi nấm, nuôi cấy…

Sau khi phát hiện ra nấm, các bác sĩ sẽ dựa trên loại nấm gây bệnh để đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.

Nấm phổi có nguy hiểm không?

Đối với nấm phổi, bệnh phát triển trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch và có các bệnh lý mạn tính kéo dài. Khi bệnh nhân mắc nấm phổi sẽ làm nặng tình trạng bệnh lý sẵn có. 

Nấm phổi bệnh lý nhiễm trùng, nếu không phát hiện ra sớm và có phương án điều trị, bệnh sẽ diễn biến nặng nề và gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt các biến chứng của nấm phổi đối với các bệnh nhân có bệnh lý nền thường có tỷ lệ tử vong tương đối cao.

Theo báo cáo, tỷ lệ nấm phổi chỉ chiếm 0,02 trong tổng số các bệnh phổi. Tuy nhiên khi đã mắc nấm phổi, nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50- 70%.

Xem thêm video được quan tâm:

Bất Ngờ Phát Hiện Ung Thư Phổi Chỉ Từ 3 Dấu Hiệu Đơn Giản| SKĐS


BSCKII Nguyễn Văn Chiến
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn