Sáng 28/2, BV Phổi Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với chủ đề "Nấm phổi Aspergillosis và các dạng nấm phổi khác". Hội thảo có dự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế cùng hàng trăm y bác sĩ ở khắp các tỉnh thành quan tâm đến bệnh nấm phổi do Aspergillus và các dạng nấm phổi khác.
Nấm phổi có tỷ lệ tử vong cao, số ca chưa được phát hiện lên đến hàng chục nghìn người
Trên thế giới, mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu người tử vong do các bệnh nấm và gây bệnh cho hàng trăm triệu người. Mặc dù là bệnh đe dọa sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên căn bệnh này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong tiếp cận chẩn đoán và điều trị. Nếu được chẩn đoán và điều trị có thể ngăn ngừa được 1,3 triệu ca tử vong do nấm mỗi năm.
Trong các bệnh nấm, nấm phổi Aspergillosis là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm rất phổ biến. Nấm phổi mạn tính do Aspergillus gây bệnh cho khoảng 3 triệu người trên thế giới và nửa triệu ca tử vong mỗi năm. Người mắc bệnh nấm phổi mạn tính do Aspergillus không được điều trị có thể tử vong sau 5 năm. Tại Việt Nam có khoảng 50% bệnh nhân từng mắc lao đến khám tại các cơ sở y tế được phát hiện mắc nấm phổi do Aspergillus.
Giám đốc BV Phổi Trung ương TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Với bệnh nấm phổi mạn tính, Việt Nam đứng thứ 5 trong số các quốc gia có gánh nặng bệnh nấm trên toàn cầu với khoảng 55.000 ca mắc. Tuy nhiên số trường hợp được phát hiện và điều trị rất thấp, chỉ vài nghìn trường hợp.
Nấm phổi thường gặp ở người suy giảm miễn dịch
TS. BS cao cấp Đinh Văn Lượng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia có khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho nấm phát triển. Tuy nhiên, nấm phổi khó được chẩn đoán và phát hiện do căn bệnh này đòi hỏi phương tiện chẩn đoán hiện đại, cộng thêm đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa sâu. Bên cạnh đó, nhiều người dân và kể cả y bác sĩ chưa quan tâm đúng mức về căn bệnh nguy hiểm này, dẫn tới số trường hợp được phát hiện còn thấp.
Nấm phổi Aspergillosis là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi một loại nấm rất phổ biến, vì các bào tử nấm có mặt ở khắp nơi, trong nhà và ngoài môi trường. Mặc dù mọi người thường hít phải loại nấm này từ không khí nhưng nó chỉ ảnh hưởng tới những người có hệ miễn dịch suy giảm nặng như bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư máu, người sau cấy ghép tạng hoặc bệnh nhân phải điều trị các thuốc ức chế miễn dịch dài ngày. Ngoài ra bệnh nấm phổi còn có nguy cơ cao ở những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi…. Bệnh nấm phổi ít gặp ở người bình thường, có sức đề kháng tốt.
Nấm phổi mạn tính do Aspergillus được coi là "kẻ giết người thầm lặng", thường phá hủy phổi từ từ, biểu hiện âm thầm, giai đoạn đầu bệnh khó phát hiện. Chỉ đến khi người bệnh ho ra máu, khó thở, sụt cân, ho khạc đờm…. mới đi khám bệnh thì đã muộn.
Nấm phổi nếu được phát hiện và điều trị sớm hoàn toàn khỏi bệnh. Nếu phát hiện muộn, người bệnh có thể phải phẫu thuật, điều trị thuốc dài ngày. Thuốc điều trị nấm cũng là một vấn đề cần quan tâm, bởi hiện nay thuốc điều trị nấm không chỉ ít loại mà chi phí rất cao.
Người bệnh nấm phổi thường phải điều trị đợt cấp trong khoảng 14 ngày và điều trị duy trì kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. "Có loại thuốc chống nấm điều trị cho một bệnh nhân 50kg có thể lên tới 10 triệu mỗi ngày. Một đợt điều trị nấm phổi mạn tính cấp ít nhất trong 14 ngày", TS.BS Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, BV Phổi Trung ương cho biết. Chi phí điều trị nấm phổi thường rất cao, tạo gánh nặng tài chính lớn cho người bệnh.
Do chi phí điều trị bệnh nấm phổi rất lớn gây khó khăn cho công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh. Giám đốc BV Phổi Trung ương hy vọng sẽ có sự chung tay của hệ thống bảo hiểm y tế để người bệnh giảm bớt chi phí điều trị, được nhanh chóng phát hiện sớm và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này.
Xem thêm video:
Video giới thiệu ngày nấm toàn cầu 1/2