Nấm phổi: Điều trị và cách phòng ngừa

31-07-2023 07:02 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Để phòng ngừa nấm phổi, cần nâng cao sức đề kháng, vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Nếu có bệnh lý nền kèm theo, cần kiểm soát và điều trị tốt.

Bệnh nấm phổi thường có các dấu hiệu lâm sàng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: Ho, sốt, khó thở, đau tức ngực... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nấm phổi có thể gây tử vong lên tới 50-70%. Vì vậy ngay khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Điều trị nấm phổi

Nếu nấm phổi không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bào tử nấm có thể lan sang các cơ quan khác, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong điều trị nấm phổi, phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và loại nấm gây bệnh. Bệnh nhân sẽ chẩn đoán và dùng thuốc chống nấm. Với một số trường hợp, bệnh nhân có bệnh lý nền kèm theo, các bác sĩ sẽ phải lên phác đồ điều trị kết hợp. Phương pháp phẫu thuật cũng được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể nếu bệnh nhân không đáp ứng điều trị nội khoa. Nhìn chung, chi phí điều trị nấm phổi thường cao, tạo gánh nặng cho người bệnh.

Phòng ngừa bệnh nấm phổi

Trong môi trường tự nhiên, nấm có thể sống tồn tại trong nước, không khí, trên các bề mặt… hoặc ký sinh trên da, niêm mạc, cơ quan nội tạng như đường hô hấp, đường tiêu hóa của con người. Vì vậy việc phòng ngừa các tác nhân là khá khó khăn.

BSCKII Nguyễn Văn Chiến thông tin về cách phòng ngừa nấm phổi và cảnh báo thói quen tự ý điều trị bệnh lý hô hấp.

Tuy nhiên, các yếu tố khiến nấm phát triển và gây bệnh là dựa trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân sử dụng các loại thuốc suy giảm miễn dịch, bệnh lý mạn tính kéo dài (tiểu đường, tăng huyết áp...), bệnh nhân điều trị bệnh lý ung thư (đặc biệt là ung thư máu).

Để phòng ngừa nấm phổi, mọi người cần tự nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học hơn sẽ giúp nâng cao thể trạng. Mọi người nên ăn uống đầy đủ, tăng cường rau xanh và trái cây, hạn chế thuốc lá, rượu bia. Bên cạnh đó, kết hợp với việc vận động thể chất đều đặn.

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm nấm phổi, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao phải điều trị tốt bệnh lý nền. Khi có các dấu hiệu bất thường, cần thăm khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Thông thường, nếu đã phát hiện ra nấm và điều trị đúng phác đồ, kết quả điều trị và tiên lượng của bệnh nhân thường tốt.

Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân đã nhiễm nấm phổi, cần theo dõi, đánh giá để phòng ngừa các yếu tố tái phát.

Để giảm nguy cơ nhiễm nấm, mọi người cần vệ sinh môi trường làm việc và nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Đảm bảo các đồ vật trong nhà sạch sẽ, không bụi bẩn, ẩm ướt. Nên để nhà cửa trong điều kiện thông thoáng, đủ ánh nắng. Điều kiện sống tốt, thoáng mát khiến nấm không có cơ hội phát triển. Ngược lại, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để nấm sinh sôi, phát triển.

Nấm phổi: Điều trị và cách phòng ngừa - Ảnh 2.

Bệnh nhân mắc nấm phổi sau mắc lao.

Bác sĩ cảnh báo thói quen tự điều trị bệnh lý hô hấp tại nhà

Hiện nay đối với nhóm bệnh lý đường hô hấp ngày càng gia tăng. Đặc biệt là những bệnh nhân trẻ tuổi, bệnh nhân trong độ tuổi lao động cũng như người già yếu. Hơn nữa, thời gian vừa qua, các bệnh truyền nhiễm lại có xu hướng phát triển không theo tiền lệ nào, nhất là sau khi dịch COVID-19.

Nhiều người xuất hiện triệu chứng ho, tuy nhiên ho là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý và thường là các bệnh lý nhiễm khuẩn, virus, ký sinh trùng. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ho kèm theo đau tức ngực hay khó thở kèm theo biểu hiện toàn thân như sốt thì nên đến khám tại các cơ sở y tế. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc hay dùng thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ.

Trước khi đưa ra quyết định điều trị, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh. Cần lưu ý khám đúng chuyên khoa để chẩn đoán chính xác, định hướng nguyên nhân để điều trị kịp thời. Trong trường hợp có tổn thương cần tìm ra nguyên nhân tránh để trường hợp bệnh diễn biến nặng. Tránh trường hợp chần chừ không thăm khám, tự theo dõi, tự điều trị tại nhà.

Xem thêm video được quan tâm:

Ung Thư Phổi Có Lây Không? |SKĐS


BSCKII Nguyễn Văn Chiến
Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội
Ý kiến của bạn