Năm 2013 đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Mùa Pháp tại Việt Nam sẽ diễn ra từ tháng 4 đến hết năm, với khoảng 100 sự kiện mang những nét đặc trưng nhất của nước Pháp đến với Việt Nam, giúp cho hai nước xích lại gần nhau hơn. Mùa Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp nối vào nửa đầu năm 2014.
Nhân dấu ấn lịch sử trọng đại trong quan hệ song phương, Đại sứ Jean Noel Poirier cùng các đồng nghiệp Pháp đã chia sẻ với báo giới về các hoạt động kỷ niệm năm Pháp - Việt (2013-2014) và quan hệ hữu nghị song phương.
Đại sứ Pháp- Jean Noel Poirier tại buổi họp báo giới thiệu năm Pháp-Việt 2013. |
Xin ngài Đại sứ có thể giới thiệu đôi nét về các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt?
Ngày 12/4/1973, Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 2013 kỷ niệm 40 năm sự kiện lịch sử quan trọng này giữa hai nước chúng ta. Mối quan hệ giữa hai dân tộc Pháp – Việt là một mối quan hệ chung thuỷ và hữu nghị. Trên tinh thần đó, sư kiện này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Năm Pháp - Việt sẽ được chính thức khởi động vào ngày 9/4/2013 tại ĐSQ Pháp này với sự có mặt của Bộ trưởng Ngoại thương Pháp, bà Nicole Bricq.
Năm Pháp - Việt sẽ chia thành hai mùa: mùa Pháp tại Việt Nam, bắt đầu vào tháng 4 năm nay và kéo dài đến hết năm, mùa Việt Nam tại Pháp sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2014. Dự kiến sẽ có khoảng 100 sự kiện được tổ chức nhân mùa Pháp tại Việt Nam. Một nửa các sự kiện đó liên quan đến văn hoá. Các sự kiện khác liên quan đến kinh tế, khoa học, đào tạo…
Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier cùng các đại diện UBIFRANCE tại họp báo giới thiệu năm Pháp - Việt. |
Năm Pháp- Việt có tham vọng giới thiệu đến công chúng Việt Nam hình ảnh nước Pháp ngày nay với những thế mạnh của mình. Trong số các sự kiện nổi bật chúng ta có thể kể đến: Diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt, một chương trình đại nhạc hội tại Sân vận động ở Hà Nội vào ngày 12/10, giao hữu bóng đá, ẩm thực Pháp, liên hoan điện ảnh Pháp ở 20 thành phố (3/10-15/12),.… Không chỉ có ở Hà Nội và TP. HCM, mà nhiều thành phố khác cũng tham gia vào chương trình năm Pháp- Việt. Ở Đà Lạt, chúng tôi có một chương trình đặc biệt để kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt, với các sự kiện như Festival phim, hoà nhạc, triển lãm ảnh Đà Lạt, triển lãm Huế đầu thế kỷ XX (tháng 12 tại Huế). Mùa Pháp tại Việt Nam sẽ khép lại bằng một màn trình diễn hình ảnh bằng ánh sáng laze tại dinh Thống Nhất ở TP. HCM. Tất cả chúng tôi đang cùng chung tay để hình ảnh của Pháp toả sáng ở Việt Nam.
Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào đối với Pháp trong chính sách thương mại?
Hơn 130 doanh nghiệp Pháp sẽ tham dự Diễn đoàn Doanh nghiệp Pháp - Việt. Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong những trọng điểm ưu tiên trong chính sách của chúng tôi. Đoàn tham dự diễn đàn lần này là đoàn lớn nhất sang châu Á trong vòng 5 năm qua và cũng là 1 trong 3 đoàn lớn nhất thế giới mà Cơ quan Thương mại Pháp (UBIFRANCE) từng tổ chức trên toàn thế giới. Từ đó cho thấy sự đánh giá cao của Pháp về thị trường Việt Nam. Kể từ năm 2012 cho đến đầu năm 2013, niềm tin vào thị trường Việt Nam đã được khẳng định. Năm trước, đầu tư của Pháp tại Việt Nam đã tăng lên 29%.
Là một trong những cửa ngõ, cầu nối giúp Việt Nam thâm nhập EU, Pháp có hỗ trợ gì cho Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO?
Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam là mối quan hệ lâu đời. Những doanh nghiệp lớn của Pháp đã hiện diện tại Việt Nam. Pháp là nhà đầu tư châu Âu đứng thứ hai ở Việt Nam, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EU là thị trường rộng, cởi mở. Pháp hỗ trợ nổi bật các sản phẩm của Việt Nam thông qua sở hữu trí tuệ, hỗ trợ Việt Nam xác định nhãn hiệu, nguồn gốc sản phẩm. Thông qua hợp tác với Pháp giúp cho một số sản phẩm nông sản Việt Nam (như hồ tiêu hay hạt điều) gia tăng giá trị trên thế giới.
Y tế cũng là một lĩnh vực hợp tác truyền thống lâu đời giữa Pháp và Việt Nam. Từ năm 1880, bản thoả ước đầu tiên đã cho phép các kỹ thuật viên trẻ Việt Nam bước đầu làm quen với y tế của Pháp và làm quen với vắc xin, kỹ thuật tiểu phẫu và chuyên khoa mắt. Với việc thành lập Viện Pasteur đầu tiên tại TP. HCM, tiếp đó là Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ tại Hà Nội, Việt Nam đã trở thành thực địa phát triển vắc xin và nghiên cứu y sinh. Vào đầu thế kỷ 20, năm 1902, trường Y sỹ Đông Dương được thành lập, do Alexandre Yersin làm hiệu trưởng, người đã đưa ra những nền tảng cho đào tạo đại học trong lĩnh vực y tế. Ngay từ năm 1984, những nền móng của hợp tác Pháp - Việt trong lĩnh vực y tế đã được phác hoạ qua việc tiếp nhận bác sĩ trẻ Việt Nam trong các bệnh viện của Pháp như những bác sĩ thực hành nội trú. Hoạt động hợp tác đầy đủ hơn và với mục đích rõ ràng hơn đã dần được thực hiện để đi đến ký kết thoả thuận hợp tác liên chính phủ trong lĩnh vực y tế ngày 10 tháng 2 năm 1993. Kể từ đó, nhiều chương trình hợp tác đã ra đời và được phát triển theo nhu cầu của cộng đồng y khoa và yêu cầu của nhân dân Việt Nam. Nhưng vấn đề hiện nay là cần đưa hợp tác của Pháp vào trong hợp tác đa phương để đáp ứng được những sách lược do chính phủ Việt Nam đã vạch ra. Trong khối EU, Pháp là một nhà đóng góp viện trợ lớn cho y tế Việt Nam và các chuyên gia Pháp hỗ trợ nhiều mảng cho các dự án y tế ở Việt Nam. Nhân năm Pháp - Việt 2013, một số hoạt động kỷ niệm y tế sẽ diễn ra gồm: * 20/9/2013: Hai nước công bố con tem kỷ niệm quan hệ Pháp- Việt “Alexandre Yersin” * 1-3/10/2013: Ngày Khoa học, kỷ niệm 30 năm Viện Pasteur phát hiện virus HIV (Hà Nội) * Triển lãm của Viện Pasteur về Alexandre Yersin (tháng 12, TP.HCM) |
Bích Vân (ghi)