Nấm ống tai ngoài ở trẻ

16-07-2019 07:02 | Đời sống
google news

SKĐS - Là một quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với điều kiện khí hậu ẩm thấp, dễ tạo điều kiện cho các loại nấm gây bệnh phát triển, nấm ống tai ngoài là một bệnh tương đối phổ biến ở nước ta.

Đặc biệt với trẻ em, trên ống tai ngoài của chúng có nhiều những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Lỗ ống tai hẹp khiến cho dịch tiết dễ bị ứ đọng, trẻ sợ đau, quấy khóc không cho vệ sinh tai, trẻ bị viêm tai giữa (loại bệnh học phổ biến ở trẻ nhỏ), mủ tai chảy liên tục tạo điều kiện cho nấm phát triển. Ngoài ra, một số thái độ quá tích cực của các bố mẹ như: việc vệ sinh quá thường xuyên gây tổn thương thành ống tai, hay việc nhỏ tai quá nhiều bằng các thuốc kháng sinh gây tổn thương hệ vi khuẩn có ích trong ống tai ngoài cũng là những điều kiện thuận lợi cho loại bệnh lý này.

Vệ sinh tai trẻ nhỏ tại nhà chỉ nên thực hiện 1 - 2 lần một ngày bằng bông mềm

Làm sao để biết trẻ bị nấm tai?

Triệu chứng phổ biến của bệnh là ngứa tai. Trẻ thường xuyên dùng ngón tay ngoáy vào trong lỗ tai hoặc nghiêng đầu, đập tay vào bên tai bệnh. Trong một số trường hợp cục nấm phát triển gây bịt kín ống tai ngoài, trẻ có thể có các biểu hiện kêu ù tai, nghe kém một bên (với các trẻ lớn) hay với các trẻ nhỏ là biểu hiện nghiêng đầu phía tai lành về nơi phát âm (để nghe cho rõ).

Nấm ống tai ngoài ở trẻ

Thấy các biểu hiện này các bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được khám bệnh và điều trị nấm tai và các bệnh chuyên khoa kèm theo (viêm tai giữa, viêm mũi họng…) nếu có. Trong trường hợp nếu cháu bé được khám bằng máy nội soi, thầy thuốc và bố mẹ các cháu có thể thấy các hình ảnh từng đám hay một lớp trắng đục bám ở ống, màng tai; có khi kết thành một màng trắng dễ lầm với mủ tai trong trường hợp có viêm tai giữa kèm theo; khối trắng đục lấp một phần hay cả ống tai ngoài. Khối có thể khiến thày thuốc chẩn đoán nhầm với một nút biểu bì hay một khối cholesteatoma; nấm có thể khô như bột hay gây xuất tiết dịch nhầy; nấm còn có thể mọc thành các khuẩn lạc màu trắng trên mủ tai chảy ra (trường hợp viêm tai giữa mạn tính) khiến chẩn đoán được đặt ra là một bệnh viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma (loại bệnh tích ăn mòn xương, có thể gây biến chứng vào não và cần phải phẫu thuật sớm).

Lấy bỏ nấm và lau sạch ống tai và màng tai bằng que bông thấm cồn salycilic, tím gentian hoặc dung dịch betadin 1%

Các hình ảnh tổn thương như trên có đặc điểm là sau khi lấy sạch, sẽ phát triển lại khá nhanh (thường trong vòng vài ngày một tuần). Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa bệnh học nấm và các loại nút biểu bì, nút ráy tai ở ống tai ngoài. Khi muốn khẳng định nghi ngờ chẩn đoán nấm ống tai ngoài, ta cần quệt lấy bệnh phẩm ống tai ngoài soi cấy xác định loại nấm và làm kháng sinh đồ nấm nếu có thể để định hướng cho điều trị.

Điều trị nấm ống tai ngoài bằng cách nào?

Sau khi đã được chẩn đoán là nấm ống tai ngoài trẻ cần được lấy bỏ tổ chức nấm và lau sạch ống tai và màng tai bằng que bông thấm cồn salycilic, tím gentian hoặc dung dịch betadin 1%. Cần làm liên tục vài ngày, mỗi ngày 1 - 2 lần (tại cơ sở điều trị chuyên khoa). Có thể dùng kèm thêm với các thuốc diệt nấm (Nystatin) bôi tại chỗ hàng ngày. Điều trị các bệnh chuyên khoa Tai Mũi Họng khác phối hợp (viêm tai giữa mạn tính, viêm mũi họng, VA…). Ngoài ra, bố mẹ trẻ cũng cần được tư vấn để tự giải thích cho trẻ hiểu việc cần phải vệ sinh ống tai ngoài, hiểu được việc vệ sinh tai trẻ nhỏ tại nhà chỉ nên thực hiện 1 - 2 lần một ngày bằng bông mềm, tốt nhất là sau khi tắm. Tránh thái độ quá tích cực của các bố mẹ như việc vệ sinh quá thường xuyên gây tổn thương thành ống tai, hay việc nhỏ tai quá nhiều bằng các thuốc kháng sinh gây tổn thương hệ vi khuẩn có ích trong ống tai ngoài của trẻ.


BS. ĐÀO ĐÌNH THI
Ý kiến của bạn