Hổ Quyền (nằm tại phường Thủy Biều, TP Huế), là một đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn dùng để tổ chức những trận tử chiến giữa voi và cọp cho nhà vua, đình thần và dân chúng xem, đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận.
Cụm di tích Hổ Quyền - Điện Voi Ré là bộ phận cấu thành của Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Hổ Quyền vừa được trùng tu trong thời gian gần đây để phục vụ nhu cầu tham quan của của người dân, du khách, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng, đấu trường Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới dù về quy mô, nó không thể sánh bằng đấu trường nổi tiếng Colosseum của Ý.
Năm 1830, vua Minh Mạng quyết định chọn vùng đất ở chân đồi Long Thọ - cách không xa Kinh thành Huế xây dựng một trường đấu kiên cố dành cho những trận tử chiến giữa voi và hổ như ngày nay. Hổ Quyền được xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt.
Xét về cấu trúc, công trình này có nét tựa đấu trường La Mã khi có hình vành khăn nằm lộ thiên với 2 vòng tường thành. Vòng thành trong cao 5,9 mét, còn vòng thành ngoài cao 4,75 mét, nghiêng một góc khoảng 10 - 15 độ tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Ngoài ra, chu vi tường ngoài 145 mét, đường kính lòng chảo 44 mét được thiết kế vững chắc đảm bảo an toàn cho mọi người xem trận đấu.
Nơi vua ngồi là khán đài đặt ở phía Bắc, xây cao hơn các vị trí xung quanh, có không gian tương đối rộng. Bên trái là hệ thống bậc cấp đi lên dành cho vua quan và quốc thích đại thần. Bên phải là hệ thống bậc cấp khác dành cho các quan và binh lính. Đối diện với khán đài vua ngồi có 5 chuồng cọp. Từ hai vòng tường, xây thêm các bức vách để tạo 5 chuồng riêng biệt. Các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Sân đấu là thảm cỏ hình tròn.
Bên cạnh đó, Hổ Quyền còn có một cửa cao 8 thước, rộng 7 tấc được làm bằng đá thanh. Cửa voi đi rộng 1,90 mét, cao gần 4 mét, con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá. Trên bờ thành gần cổng dành cho voi ghi chữ "Hổ Quyền".
Giống như những trận quyết đấu khác, nghi thức tổ chức ở Hổ Quyền cũng được làm trang trọng. Ngày đấu, người dân đặt hương án, lễ vật. Xung quanh bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Đúng giờ Ngọ, vua cùng tùy tùng ngự thuyền đến bến đò Long Thọ để vào trường đấu. Đi trước là lính Ngự lâm quân, thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần, theo sau là đội nhạc cung đình. Suốt đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón vua, hai bên đường lính áo đỏ cầm khí giới nghiêm trang, các quan trong triều quỳ cung kính nghênh đón. Từ sáng sớm, dân chúng vào đến nơi để chờ xem trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ.
Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, là người điều khiển, vừa là khán giả nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu đến khi voi giết chết hổ. Từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội Đàng Trong, càng về sau các trận đấu nhằm khích lệ tinh thần thượng võ, phục vụ nhu cầu giải trí.
Xem thêm video đang được quan tâm: