Chia sẻ về trường hợp này, BS.CKII Phạm Thái Sơn – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết: "Bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện đa khoa tỉnh lên trong tình trạng nặng, suy hô hấp, phải thở máy, yếu liệt toàn thân, hôn mê.
Trong trường hợp này, rất may mắn là trước đó, khi bé có những biểu hiện bất thường, người nhà kiểm tra bên ngoài, phát hiện ra con rắn cạp nia, đã chụp hình lại và vội vàng đưa bé đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu, sau đó chuyển tới bệnh viện đa khoa tỉnh.
Rắn cạp nia thuộc loại rắn hổ có độc tố về thần kinh, làm yếu liệt toàn thân, trong đó có yếu liệt cơ hô hấp dẫn đến tình trạng bé không tự thở được, phải lệ thuộc máy thở kéo dài trong vòng 20 ngày.
Sau 1 tháng điều trị thì sức khỏe của bé đã hồi phục, tuy còn yếu nhưng đã ngồi dậy được, vẫn còn một số biểu hiện yếu liệt khác như: chưa tự chủ trong vệ sinh cá nhân, chưa nói được. Những trường hợp tương tự như thế này nếu phát hiện và điều trị không kịp thời thì nạn nhân bị yếu liệt toàn thân, suy hô hấp dẫn đến thiếu ô xi và tử vong nhanh chóng".
Ông Giàng Seo Bình - bố của bệnh nhi cho biết: "Gia đình đã rất rối loạn khi bé có những biểu hiện bất thường trong đêm như nôn ói liên tục. Tuy nhiên người nhà đã kịp kiểm tra quanh nhà, phát hiện con bị rắn cắn nên nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Giờ bé đã dần bình phục, gia đình cảm thấy vô cùng may mắn khi các bác sĩ đã cứu chữa kịp thời, sẽ quan tâm hơn đến nơi ở của con để tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc".
Theo BS.CKII Phạm Thái Sơn, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 10 đến 20 trường hợp bệnh nhi bị rắn cắn với nhiều chủng loại thuộc nhóm rắn hổ và nhóm rắn lục. Các bác sĩ bệnh viện đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận các trường hợp bị rắn cắn nên luôn xử lý kịp thời để cứu chữa bệnh nhân, tránh để lại những di chứng nặng nề.
Để tránh xảy ra những tình trạng thương tâm như thế này, các gia đình nên hướng dẫn con em nhận biết rắn, tránh tiếp xúc, chọc phá rắn. Ở những nơi có nhiều nguy cơ rắn cắn như vùng cao, vùng nông thôn, nơi ẩm thấp, chuồng gia súc, gia cầm, cần đi đứng cẩn thận, quan sát kỹ dưới chân, tránh bị rắn đột ngột tấn công.
Bác sĩ Thái Sơn cũng cho biết, khi phát hiện những vết thương lạ trên người, cần xem xét kỹ có phải rắn cắn hay không bởi vết rắn cắn có thể nhận biết vì để lại 2 móc độc chính. Các tổn thương, triệu chứng do rắn cắn có thể chia thành 2 nhóm gồm nhóm rắn lục và rắn hổ, trong đó nhóm rắn lục thường gây ra triệu chứng rối loạn đông máu, vết cắn xuất huyết, bầm da, nổi bóng nước, có thể gây xuất huyết não, xuất huyết các cơ quan nội tạng. Nhóm rắn hổ gây liệt thần kinh, nạn nhân nằm lờ đờ, nôn ói, vết cắn ít bị tổn thương.
Lúc nhận biết bị rắn cắn, không nên rạch vết cắn, hút máu độc ra ngoài vì có thể làm chậm quá trình cấp cứu nạn nhân. Có thể sơ cứu tạm thời vết rắn cắn bằng cách rửa sạch, cố định chi bị rắn cắn để nọc độc hạn chế về tim, nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhấn để cấp cứu kịp thời, tránh bị suy hô hấp dẫn đến tử vong hoặc để lại các biến chứng nặng.
"Thời điểm vàng trong điều trị rắn cắn là trong vòng 6 tiếng sau khi bị cắn. Tuy nhiên bệnh nhân đến cấp cứu, điều trị trong thời điểm nào thì các y bác sĩ đều có thể điều trị kịp thời nếu xác định được loại rắn đã cắn", BS.CKII Phạm Thái Sơn khuyến cáo.