Năm mươi năm ấy...

09-10-2011 10:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm nay, Hội Hữu nghị Pháp - Việt (HNPV) (Association D’ amitié Franco-Vietnamienne) kỷ niệm 50 năm ngày ra đời (1961). Ra đời trong “khí hậu chính trị và tâm lý Pháp”

Năm nay, Hội Hữu nghị Pháp - Việt (HNPV) (Association D’ amitié Franco-Vietnamienne) kỷ niệm 50 năm ngày ra đời (1961). Ra đời trong “khí hậu chính trị và tâm lý Pháp” rất không thuận lợi: “Xin hãy tưởng tượng lại đầu những năm 1960, trận Điện Biên Phủ còn đè nặng lên dư luận Pháp. Đất nước Việt Nam bị chia cắt do Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thực hiện. Ở miền Nam Việt Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ hỗ trợ, cố gắng xóa bỏ tối đa ảnh hưởng của Pháp. Ở miền Bắc, nước Việt Nam DCCH do Hồ Chủ tịch lãnh đạo, các chính phủ phương Tây đang thực hiện chiến tranh lạnh chỉ muốn có quan hệ tối thiểu. Quan hệ Pháp với Việt hầu như không có” (Charles Fourniau, 1997).

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Hội HNPV đã xuất hiện với tính chất một tổ chức của xã hội dân sự Pháp để hàn gắn vết thương chiến tranh về tình cảm và xây dựng tình hữu nghị giữa hai dân tộc, vượt qua những mặc cảm thời thực dân và chiến tranh. Bà Alice Kahn có sáng kiến lập hội, ông Charles Fourniau là Tổng thư ký rồi Chủ tịch Hội HNPV liền trong bốn chục năm. Làm văn hoá đối ngoại, tôi có dịp cộng tác với cả hai vị vào đầu những năm 1960. Fourniau và Jacques - chồng bà Kahn - đều là những phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Hà Nội. Tôi đã viết về Fourniau và Alice Kahn ngay sau khi hai bạn qua đời. Chỉ xin nhắc lại qua vài nét:

Fourniau đối với ta như là “cây đa cây đề” trong hai lĩnh vực: xây dựng tình hữu nghị Pháp - Việt cho đến hơi thở cuối cùng, mấy năm trước khi mất còn thành lập Trung tâm CID tập trung các tài liệu về Việt Nam. Ông là tiến sĩ sử học chuyên về thời kỳ Pháp chiếm Việt Nam.

Alice Kahn nghiên cứu và dịch văn học Việt Nam, dịch một truyện thiếu nhi của Võ Quảng và cùng tôi soạn tậpCa dao Việt Nam tiếng Pháp. Hội HNPV tập hợp được nhiều nhà Đông Phương học, nhà nghiên cứu, giáo sư đại học, nhà khoa học, bác sĩ, nhà tu hành, chính khách đủ các khuynh hướng. Trong số Viễn vọng Pháp - Việt (số 77-2011) của Hội HNPV kỷ niệm 50 năm xuất bản, nhiều hội viên đã kể lại những kỷ niệm về đấu tranh cho Việt Nam.

Nhà sử học Philippe Devillers đã đứng bên Việt Nam suốt 60 năm. Năm 25 tuổi (1945), anh đã là phóng viên báo Le Monde, đến Việt Nam       cùng đạo quân của Leclerc: “Một đất nước mà khi đến tôi chẳng biết gì cả, mà sau thành niềm đam mê của tôi”. Qua 11 tháng ở Việt Nam, với sự nhạy bén chính trị, anh đã nhận thấy cuộc chiến tranh giải phóng của Hồ Chí Minh nhất định thắng, Pháp cần điều đình với Hồ Chí Minh. Một nhận định rất sớm, 7 năm trước Điện Biên Phủ, được kết tinh trong tác phẩm mang tính “tiên tri” Lịch sử Việt Nam từ 1940 - 1952. Từ đó, cùng các bạn Hội HNPV, anh luôn hoạt động để bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam. Ông còn viết hai tác phẩm đáng chú ý: Paris - Sài Gòn - Hà Nội (1988) và Người Pháp và người An Nam - đối tác hay kẻ thù (1998). 

Raymon de Dien, tuổi hẳn ngoài 80, đã từng nổi tiếng cùng Henri Martin cách đây 60 năm là hai biểu tượng của nhân dân Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam. Anh thuỷ thủ Henri Martin chống xuống tàu, không sang Việt Nam, chị công nhân Raymon Dien, 20 tuổi đã có chồng con, nằm ngang đường sắt không cho tàu hoả chở vũ khí sang Việt Nam. Cả hai đều bị vào tù, nhưng sau được thả do nhân dân Pháp và thế giới đấu tranh. Raymon kể về các phiên toà độc đoán xử chị (1950) với nhiều chi tiết lý thú. Các nhân chứng đều lên án chính phủ dùng bạo lực để đàn áp công lý, đi ngược quyền lợi của nhân dân Pháp. “Cần chấm dứt chiến tranh khiến nước Pháp mất vàng và máu!”. Mỗi năm tiêu tốn 150 tỷ franc không kể ba vạn người chết: “Cuộc chiến tranh này trái với hiến pháp, hiến pháp cấm xâm lược”. “Vũ khí bị gửi sang Việt Nam để đàn áp một dân tộc dũng cảm đấu tranh cho độc lập cũng như chúng ta”. Tòa án không cho các nhân chứng phát biểu tiếp. Nhưng chúng không bịt miệng được người dân, bốn trạng sư đã nói từ 10 giờ 30 đến 1 giờ 30 sáng hôm sau. Luật sư A. Jouhanneau nói: “Tôi chẳng thuộc đảng phái nào nhưng tham gia bảo vệ Việt Nam, tôi có dịp làm quen với một cô gái thẳng thắn và dũng cảm. Cô ấy tin vào lý tưởng của mình”. Không thể luận tội về ý định. Luật sư R.Bruy kể: “Tôi đã gặp cô R. Dien vào ngày sinh nhật tuổi 21, khi hàng nghìn bức thư, điện tín, hoa, quà được gửi đến. Cô hôm nay là người thân của tất cả các gia đình Pháp. Nếu các vị định lên án cuộc sống thì hãy lên án cô ta!”. Luật sư M. Bruygurer - chiến sĩ kháng chiến chống Đức chiếm đóng, tuyên bố: “Điều R.Dien nghĩ, chúng tôi cũng nghĩ đúng như thế! Nếu cô ấy có tội thì tôi và hàng triệu dân Pháp đều có tội”.

Bà Cachin đã từng bào chữa cho Dương Bạch Mai và Nguyễn Khắc Viện bị bắt ở Pháp. Tôi nhớ mãi bữa ăn cách đây hơn hai chục năm, vợ chồng bà mời tôi và nhà thơ F.Corrèze ở Paris. Suốt bữa bà ta chỉ nói chuyện về Việt Nam. Mặc dù tài hùng biện và tấm lòng của luật sư được sự đồng thuận của nhiều người, tòa án phản động vẫn kết án chị R.Dien 1 năm tù. 6 năm sau, R. Dien và Henri Martin được đón tiếp nồng hậu ở Hà Nội tại Đại hội Thanh niên Việt Nam. 
Hữu Ngọc

Ý kiến của bạn