Hà Nội

Nấm móng: Ai dễ mắc, cách nào điều trị để không phải cắt bỏ móng?

23-02-2022 17:27 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nấm móng là tình trạng móng bị nhiễm nấm, hiếm khi xảy ra ở trẻ em và có tần suất tăng dần theo tuổi. Bệnh nấm móng thường gặp và tiến triển âm thầm do nhiều chủng nấm gây nên, có thương tổn lâm sàng đa dạng. Việc chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm tìm nấm.

1. Nấm móng là tình trạng gì?

Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng do nấm, chiếm tới 30% các chẩn đoán bệnh nấm nông.

Đây là một bệnh thường thấy ở những người có bàn tay, bàn chân thường xuyên ẩm ướt như người làm nghề bán nước giải khát, bán trái cây, đầu bếp, làm ruộng, đầu bếp, giặt quần áo, thợ uốn tóc gội đầu, rửa xe, chăn nuôi...

Nấm xâm nhập bắt đầu từ bờ tự do hoặc các bờ bên rồi đi vào mầm móng. Nhiều người khổ sở vì bệnh nấm móng tay, móng chân vì bệnh không những làm khó chịu, đau ngứa mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ...

2. Nguyên nhân và yếu tố gây nấm móng

Có nhiều nguyên nhân trong đó tác nhân gây nấm móng bao gồm:

  • Chủng vi nấm sợi tơ như Trichophyton Rubrum, T. Interdigitale;
  • Chủng nấm men thường do Candida Albican, các chủng Candida khác thì hiếm;
  • Các loại nấm mốc như Screiopsis Brevicaulis và Fusarium.

Yếu tố thuận lợi khiến dễ bị nhiễm nấm móng là:

  • Những người sống trong môi trường nóng và ẩm thấp;
  • Nghề nghiệp buộc phải thường xuyên tiếp xúc với nước;
  • Mang giày không khô thoáng và không thường xuyên giặt rửa;
  • Mang găng tay cao su nhiều giờ liền;
  • Dùng chung dụng cụ chăm sóc móng hay khăn với người bị nhiễm nấm;
  • Móng vừa bị chấn thương;
  • Trong gia đình có người thường xuyên bị nấm móng;
  • Người lớn tuổi, hút thuốc lá… dễ mắc nấm móng.

Nhiều nghiên cứu cho rằng những người mắc bệnh đái tháo đường điều trị nấm móng sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian hơn. Những đối tượng này dễ bị nhiễm nấm móng và dễ dẫn đến những vết loét không lành; Người mắc bệnh ung thư và đang hóa trị; Bệnh vảy nến; Tuần hoàn máu kém; Người ghép tạng; Người nhiễm HIV… cũng dễ mắc nhiễm nấm móng.

3. Dấu hiệu của nhiễm nấm móng

Yếu tố thuận lợi nào khiến dễ bị nấm móng? - Ảnh 2.

Nấm móng là bệnh nhiễm trùng ở móng do nấm.

Nấm móng thường là hậu quả từ nhiễm nấm ở chân hay tay không được điều trị hoặc xuất hiện sau một chấn thương hay bệnh lý gây viêm ở móng. 

Nấm có thể ảnh hưởng một hay nhiều móng, cả móng chân, móng tay và thường liên quan đến ngón cái hay ngón út, có thể hiện biểu hiện một hay nhiều dạng tổn thương. 

Trong đó thường gặp nhất là nấm móng ở cạnh bên của móng sẽ thấy xuất hiện mảng màu trắng đục hay vàng ở cạnh bên của móng, nếu không được điều trị sẽ tiếp tục lan ra toàn bộ móng và móng trở nên mềm, khô, đau khi mang giày.

Phần da bên dưới móng có hiện tượng tăng sừng và có hiện tượng li móng (là hiện tượng bản móng tách khỏi phần bên dưới và bung lên).

Tổn thương dễ nhận biết là bị hỏng móng đầu xa khi đó đầu xa của móng bị cong lên. Bệnh nấm móng trắng bề mặt còn cho thấy những mảng trắng trên bề mặt móng.

Bệnh nấm móng đầu gần cho thấy các mảng vàng ở phần liềm móng. Nếu bị u nấm móng hay u nấm da thì sẽ thấy vùng bị nhiễm nấm dày lên nhìn như u và lan đến cả phần giường móng. Tình trạng hỏng móng sẽ thấy phá huỷ một phần hoặc hoàn toàn cấu trúc móng.

Viêm quanh móng thường do nhiễm nấm Candida ở móng gây viêm quanh móng và bắt đầu từ nếp móng gần (biểu bì của móng). Nếp này bị viêm, đỏ, xuất hiện những vệt trắng, vàng, xanh lá, đen trên móng và lan rộng ra. Móng có thể bị tách ra khỏi giường móng và đau khi đụng vào.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm nấm móng thường dễ nhầm lẫn với các bệnh như nhiễm vi khuẩn đặc biệt như Pseudomonas aeruginosa, làm cho móng tay có màu đen hoặc xanh. Bệnh vẩy nến móng, bệnh chàm hoặc viêm da; Lichen phẳng; Bong móng; Bệnh móng cong…

Yếu tố thuận lợi nào khiến dễ bị nấm móng? - Ảnh 4.

Nấm móng thường là hậu quả từ nhiễm nấm ở chân hay tay không được điều trị.

4. Chẩn đoán và điều trị nấm móng

Thông thường, gợi ý nhiễm nấm móng trên lâm sàng có thể được xác định bằng các xét nghiệm để giúp chẩn đoán tác nhân vì nấm mốc và nấm men điều trị hoàn toàn khác với vi nấm sợi tơ. Đơn giản nhất là có thể cắt, cạo bề mặt đổi màu của móng và lấy các mảnh vụn gửi đến phòng xét nghiệp vi sinh để soi và nuôi cấy nấm. Những điều trị trước đó như thuốc thoa tại chỗ hay uống có thể làm giảm khả năng phát hiện nấm khi soi và nuôi cấy, tốt nhất cần lấy bệnh phẩm trước khi điều trị.

Nấm móng ở tay đáp ứng điều trị nhanh và hiệu quả hơn so với móng chân. Thời gian điều trị đối với móng tay trung bình là 2 tháng, móng chân là 3 tháng.

Trường hợp nhiễm nấm nhẹ (ảnh hưởng ít hơn 50% của 1 hoặc 2 móng) có thể đáp ứng với thuốc kháng nấm tại chỗ, nhưng điều trị thường đòi hỏi thuốc kháng nấm đường uống. Việc sử dụng loại kháng nấm nào, tại chỗ hay toàn thân cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh việc điều trị không hiệu quả mà nguy cơ tác dụng phụ nhiều.

Các tác dụng phụ tại chỗ của thuốc kháng nấm thoa thường nhẹ như đỏ, sưng, nóng rát. Khi dùng thuốc uống, bác sĩ có thể xét nghiệm máu mỗi tháng để theo dõi. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu những phương pháp khác như dùng thuốc dạng gel, sơn móng.

Đôi khi tình trạng nhiễm nấm nặng hoặc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể cắt bỏ móng của bạn bằng phương pháp phẫu thuật hay dùng hóa chất để phá hủy.

Yếu tố thuận lợi nào khiến dễ bị nấm móng? - Ảnh 5.

Nấm móng là bệnh khá thường gặp ở nước ta.

Gần đây, phương pháp điều trị không dùng thuốc phát triển mạnh nhằm tránh những tác dụng phụ và nguy cơ khi dùng thuốc kháng nấm. Liệu pháp laser ánh sáng hồng ngoại diệt vi nấm bằng cách sản sinh ra nhiệt tại mô bị nhiễm bệnh. 

Một số phương pháp khác như liệu pháp quang động học được báo cáo thành công ở một vài ca, sóng siêu âm… Lưu ý điều trị cần kiên nhẫn và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

5. Lời khuyên thầy thuốc

- Để phòng không bị nhiễm nấm móng cần mang dép ở khu vực ẩm và nóng. Khi điều trị khỏi nấm móng nên loại bỏ các giày, ủng đã sử dụng trước khi bắt đầu điều trị. Nếu giày quá đắt tiền, có thể tiệt khuẩn bằng tia UV hay Ozone.

- Cần thay tất chân mỗi ngày và ngay khi tất bị ẩm do mồ hôi chân, điều này giúp ngăn nấm phát triển. Thay giày khi bị ẩm và để khô trong vòng 24 giờ rồi hãy dùng lại để tránh nấm phát triển. Chọn giày vừa chân, chất liệu thoáng khí.

- Có thể rắc bột kháng nấm vào giày để ngăn nấm phát triển; Cắt ngắn móng tay và móng chân.

- Những đồ dùng làm móng phải được vệ sinh bằng xà bông và nước, rồi lau lại bằng cồn. Nếu đến tiệm để làm đẹp móng cần phải bảo đảm dụng cụ phải được tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng.

- Không nên sử dụng vật dụng cá nhân chung với người khác; Vệ sinh chân bằng xà bông và lau khô mỗi ngày, đặc biệt là vùng kẽ ngón để giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ và khô ráo. Khi có biểu hiện nhiễm nấm cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Cần điều trị nấm càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm sang móng.

Tóm lại: Nấm móng là bệnh khá thường gặp ở nước ta, do đó cần biết cách tự chăm sóc để tránh bị lây nhiễm. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ cần đi khám sớm ở cơ cở khám chữa bệnh da liễu uy tín để việc điều trị an toàn và hiệu quả hơn.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19

BSCK1. Đinh Ngọc Liên
Ý kiến của bạn