1. Nguyên nhân gây bệnh nấm móng
Nấm móng là bệnh nhiễm trùng móng chân, tay do nấm gây ra, có thể do nấm sợi hoặc nấm men. Thực tế hay gặp là nấm móng do nấm sợi và nấm móng do Candida. Đây là bệnh rất phổ biến, ước tính khoảng 14% dân số mắc bệnh nấm móng.
Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt như làm ruộng, đầu bếp, chăn nuôi.
Nấm dễ phát triển ở điều kiện nóng, ẩm. Do đó mùa mưa là thời điểm dễ mắc bệnh. Bệnh làm cho móng tay người bệnh trở nên đau nhức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc hằng ngày.
Người bệnh thường mắc bệnh ở một hoặc vài ngón, ít khi bị tất cả các ngón. Móng có xu hướng biến đổi hình dạng, màu sắc, trở nên giòn, dễ gãy.
Tuỳ theo tác nhân gây bệnh mà biểu hiện lâm sàng và điều trị sẽ khác nhau.
2. Triệu chứng bệnh nấm móng
Triệu chứng thường gặp của bệnh nấm móng là bề mặt móng xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen.
Móng dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Ban đầu, người bệnh chỉ bị 1 hoặc 2 móng, nếu không được điều trị có thể lan dần ra nhiều ngón, thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ.
Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida). Khi viêm vùng chân móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều vùng quanh móng.
Đa số bệnh nhân bị nấm tấn công vào móng tay và móng chân gây khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hiệu quả công việc giảm do cảm giác ngứa, đau nhức thường xuất hiện. Tuy nhiên, nhiễm trùng ở mức độ nông và hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Một số bệnh nhân đối mặt với hiện tượng thối móng, có mùi hôi gây mất thẩm mỹ cho bàn tay, bàn chân. Chúng cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân mất tự tin với mọi người xung quanh.
3. Bệnh nấm móng có lây không?
Nấm móng là bệnh dễ lây nhiễm. Nấm xâm nhập bắt đầu từ bờ tự do hoặc các bờ bên rồi đi vào mầm móng. Khi bị bệnh nấm móng, sẽ nhanh chóng lây lan khắp các móng khác ở cả hai chân, tay, thậm chí có thể lan sang một số bộ phận khác, cũng có thể lây từ người này sang người khác.
4. Cách phòng bệnh nấm móng
Để phòng không bị nhiễm nấm móng cần mang dép ở khu vực ẩm và nóng. Khi điều trị khỏi nấm móng nên loại bỏ giày, ủng đã sử dụng trước khi bắt đầu điều trị. Nếu giày quá đắt tiền, có thể tiệt khuẩn bằng tia UV hay Ozone.
Cần thay tất chân mỗi ngày và ngay khi tất bị ẩm do mồ hôi chân, điều này giúp ngăn nấm phát triển. Thay giày khi bị ẩm và để khô trong vòng 24 giờ rồi hãy dùng lại để tránh nấm phát triển. Chọn giày vừa chân, chất liệu thoáng khí.
Có thể rắc bột kháng nấm vào giày để ngăn nấm phát triển. Cắt ngắn móng tay và móng chân.
Những đồ dùng làm móng phải được vệ sinh bằng xà bông và nước, rồi lau lại bằng cồn. Nếu đến tiệm để làm đẹp móng cần phải bảo đảm dụng cụ phải được tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng.
Không nên sử dụng vật dụng cá nhân chung với người khác. Vệ sinh chân bằng xà bông và lau khô mỗi ngày, đặc biệt là vùng kẽ ngón để giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ và khô ráo. Khi có biểu hiện nhiễm nấm cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Cần điều trị nấm càng sớm càng tốt để tránh lây nhiễm sang móng.
Nấm móng là bệnh khá thường gặp ở nước ta, do đó mọi người cần biết cách tự chăm sóc để tránh bị lây nhiễm. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ cần đi khám sớm ở cơ cở khám chữa bệnh da liễu uy tín để việc điều trị an toàn và hiệu quả hơn.
5. Cách điều trị nấm móng
5.1. Chẩn đoán
Thông thường, việc chẩn đoán nhiễm nấm móng trên lâm sàng có thể được xác định bằng các xét nghiệm để giúp chẩn đoán tác nhân vì nấm mốc và nấm men điều trị hoàn toàn khác với vi nấm sợi tơ. Đơn giản nhất là có thể cắt, cạo bề mặt đổi màu của móng và lấy các mảnh vụn gửi đến phòng xét nghiệm vi sinh để soi và nuôi cấy nấm. Những điều trị trước đó như thuốc thoa tại chỗ hay uống có thể làm giảm khả năng phát hiện nấm khi soi và nuôi cấy, tốt nhất cần lấy bệnh phẩm trước khi điều trị.
5.2. Điều trị bằng thuốc
Nấm móng ở tay đáp ứng điều trị nhanh và hiệu quả hơn so với móng chân. Thời gian điều trị đối với móng tay trung bình là 2 tháng, móng chân là 3 tháng.
Trường hợp nhiễm nấm nhẹ (ảnh hưởng ít hơn 50% của 1 hoặc 2 móng) có thể đáp ứng với thuốc kháng nấm tại chỗ, nhưng điều trị thường đòi hỏi thuốc kháng nấm đường uống. Việc sử dụng loại kháng nấm nào, tại chỗ hay toàn thân cần được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh việc điều trị không hiệu quả mà nguy cơ tác dụng phụ nhiều.
Thuốc nào điều trị nấm móng?
Thường là dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.
Thuốc bôi tại chỗ:
Một số loại thuốc bôi ngoài da có tác dụng loại bỏ nấm móng: Thuốc ciclopirox, efinaconazole, naftifine, tavaborole, terbinafine…
Lưu ý: Nên hướng dẫn bệnh nhân cách bôi thuốc để đạt hiệu quả và tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa băng bịt giữ thuốc qua đêm.
Thuốc uống:
Đối với tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống chống nấm. Terbinafine và itraconazole là hai loại thuốc thường được kê đơn nhất để điều trị nhiễm nấm móng.
5.3. Điều trị không dùng thuốc
Đôi khi tình trạng nhiễm nấm nặng hoặc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể cắt bỏ móng của bạn bằng phương pháp phẫu thuật hay dùng hóa chất để phá hủy.
Gần đây, phương pháp điều trị không dùng thuốc phát triển mạnh nhằm tránh những tác dụng phụ và nguy cơ khi dùng thuốc kháng nấm. Liệu pháp laser ánh sáng hồng ngoại diệt vi nấm bằng cách sản sinh ra nhiệt tại mô bị nhiễm bệnh.
Một số phương pháp khác như liệu pháp quang động học được báo cáo thành công ở một vài ca, sóng siêu âm… Lưu ý điều trị cần kiên nhẫn và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.