1. Nguyên nhân của bệnh nấm móng
Bệnh nấm móng do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).
Bệnh nấm móng, nấm lây nhiễm có thể bắt đầu như một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng tay hoặc móng. Thường thấy nấm móng chân là chủ yếu. Những người thường xuyên tiếp xúc với nước, môi trường làm việc chân tay ẩm ướt như đầu bếp, làm nghề giặt giũ, thợ uốn tóc, rửa xe…hay mắc nấm móng.
2. Triệu chứng của bệnh nấm móng
Triệu chứng bệnh nấm móng: Bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen. Móng dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc. Lúc mới bị, người bệnh chỉ thấy bất thường ở 1 hoặc 2 móng. Do chủ quan, không được điều trị, nấm dần dần lan ra nhiều ngón.
Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida). Khi viêm vùng chân móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều vùng quanh móng. Móng có mùi hôi.
Móng có các mảng màu trắng hoặc vàng không có triệu chứng và biến dạng. Có 3 hình thái đặc trưng thường gặp:
- Phía dưới móng ở đầu xa: Móng dày và vàng, keratin và các mảnh vụn tích tụ ở đầu xa và bên dưới, và móng tách ra khỏi giường móng.
- Phía dưới móng ở đầu gần: Tổn thương bắt đầu ở đầu gần và là một dấu hiệu của suy giảm miễn dịch.
- Trắng bề mặt: Trong đó một điểm màu trắng phấn lan rộng từ từ dưới bề mặt móng.
Khi bị nhiễm nấm ở các móng. Nấm sẽ nhanh chóng lan rộng khi gặp điều kiện thuận lợi như môi trường ẩm ướt, lây từ ngón này sang ngón khác trên cùng bàn tay, bàn chân hay có thể lan sang bàn tay, bàn chân bên kia và có tiến triển bệnh kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.
3. Điều trị nấm móng
Móng chân bị bệnh có tỷ lệ cao hơn móng tay gấp 10 lần. Khoảng 60-80% trường hợp là do chủng nấm Dermatophyte.
Bệnh nấm móng không phải lúc nào cũng được điều trị vì nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc nhẹ và không gây biến chứng.
Hơn nữa các thuốc chống nấm đường uống là phương pháp điều trị hiệu quả nhất có thể gây độc gan và tương tác thuốc nghiêm trọng.
Điều trị các bệnh nấm móng cần có thời gian tương ứng với thời gian để thuốc phát huy tác dụng cũng như móng của bạn phục hồi.
Bạn có thể được kê thuốc bôi hoặc thuốc uống chống nấm.
- Thuốc bôi cho vùng móng cần một số lưu ý khi sử dụng phụ thuộc vào tổn thương. Rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, hong khô móng, sau đó bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ít nhất trong 3 tháng.
- Thuốc uống cần chỉ định của bác sĩ dựa vào các yếu tố toàn thân và tiến triển nấm móng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và uống thuốc.
Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bệnh để đánh giá là đã hết nấm chưa, kết hợp với đáng giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa, hết xù xì, hết viêm, hết ngứa.
4. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Tự chăm sóc không đạt hiệu quả.
- Móng bị đổi màu, biến dạng
5. Phòng ngừa nấm móng
Để có thể phòng ngừa bệnh nấm móng tái phát, bác sĩ chuyên khoa có lời khuyên như sau:
- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với nước nếu bạn phải làm công việc đó bằng cách đi găng tay, ủng.
- Để hạn chế tái phát, nên cắt ngắn móng, lau khô bề mặt móng sau khi tắm, rửa.
- Đi giày, đi tất thấm hút mồ hôi và sử dụng bột chống nấm.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất, xà phòng.
- Không dùng khăn ướt, ẩm và dùng chung khăn với người khác.
Xem thêm video được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C