(SKDS) - Tôi bị bệnh nấm móng chân do thường xuyên phải làm việc trong môi trường ẩm ướt. Tôi đã bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ nhưng không biết bệnh có lây sang người thân không? Làm thế nào để chữa dứt bệnh?
Nguyễn Hà My (Ninh Bình)
Nấm móng chân là bệnh do những loại nấm và mốc gây ra như nấm sợi tơ, nấm Candida, nấm mốc... Những loại nấm này thường sống trong môi trường ẩm ướt, do đó nếu bàn chân không khô ráo khi đi tất, đi giày hoặc thường xuyên cho chân tiếp xúc với nước bẩn sẽ rất dễ bị nấm móng chân. Khi bị nhiễm nấm, móng chân thường đổi sang màu nâu, vàng hoặc có những đốm trắng, có thể có màu đen, móng trở nên giòn, mủn, dễ gãy, dễ bong, lỗ chỗ, tăng sừng dưới móng, mùi hôi, móng dầy, khó chịu, gây khó khăn khi đi lại, làm việc.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Khi bị nấm nóng, nó sẽ nhanh chóng lây lan khắp bàn chân ở cả hai chân thậm chí có thể lan sang một số bộ phận khác và cũng có thể lây từ người này sang người khác. Do vậy, khi bị nấm móng chân, cần cắt móng ngắn, giũa móng phì đại, sần sùi, sắc cạnh, tránh chấn thương, kích thích, không sử dụng chung dụng cụ cắt móng cho móng nhiễm nấm và móng bình thường, mang giày dép thích hợp, giữ bàn chân thật sạch và khô, đồng thời dùng bột chống nấm ở giày mỗi ngày. Cần điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
BS.Trịnh Văn Tùng