Nấm miệng có thể phòng tránh được

19-09-2013 13:10 | Phòng mạch online
google news

Nấm miệng là tổn thương niêm mạc miệng do các loại nấm Candida albicans gây ra. Bệnh gây tổn thương răng miệng, trên lưỡi hoặc má bên trong, làm cho bệnh nhân đau, có thể chảy máu,

Nấm miệng là tổn thương niêm mạc miệng do các loại nấm Candida albicans gây ra. Bệnh gây tổn thương răng miệng, trên lưỡi hoặc má bên trong, làm cho bệnh nhân đau, có thể chảy máu, lây lan sang vòm miệng, nướu răng, amiđan hoặc sau cổ họng. Nấm có thể gây bệnh đối với mọi người nhưng gặp nhiều ở trẻ nhỏ, người đeo răng giả, người dùng thuốc corticosteroid hít, bị suy giảm miễn dịch.

Nguyên nhân gây nấm miệng

Nấm miệng do Candida thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu vì bệnh hoặc do dùng các loại thuốc như prednisone, kháng sinh làm nhiễu loạn sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn trong miệng. Những bệnh có thể làm cho dễ bị nhiễm nấm miệng: virut gây bệnh AIDS phá hủy các tế bào của hệ miễn dịch, làm cho dễ bị nhiễm nấm miệng; ung thư: bệnh nhân bị ung thư, hệ thống miễn dịch có thể suy yếu do bệnh và do điều trị hóa trị và xạ trị làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida miệng; bệnh đái tháo đường: trong nước bọt của bệnh nhân đái tháo đường có thể chứa một lượng lớn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm Candida; nhiễm nấm men âm đạo: nhiễm nấm âm đạo là do cùng một loại nấm gây bệnh nấm miệng. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm nấm miệng: trẻ sơ sinh, suy giảm miễn dịch, mang răng giả, bệnh đái tháo đường hay bệnh thiếu máu, dùng thuốc kháng sinh, corticosteroid, hóa trị liệu hoặc xạ trị ung thư, bị khô miệng, hút thuốc...

Nấm miệng có thể phòng tránh được 1
 Nấm Candida albicans gây nấm miệng.

Biểu hiện bệnh

Bệnh nhân bị nhiễm nấm miệng, ban đầu thường không có triệu chứng. Chỉ đến khi phát bệnh, các triệu chứng xảy ra đột ngột gồm: tổn thương kem trắng trên lưỡi, má bên trong, trên vòm miệng, lợi và amiđan trông giống như phomat. Đau và chảy máu nếu tổn thương bị cọ xát bởi thức ăn. Có vết nứt ở góc miệng. Bệnh nhân có cảm giác bông trong miệng. Mất vị giác. Nếu bệnh nặng, tổn thương có thể lan xuống thực quản (nấm Candida thực quản). Khi đó bệnh nhân thấy khó nuốt hoặc cảm thấy như là thức ăn đang mắc kẹt trong cổ họng.

Ở trẻ sơ sinh, bên cạnh những tổn thương miệng trắng đặc biệt, trẻ có thể khó ăn quấy khóc, cáu kỉnh. Khi trẻ bú mẹ, chúng có thể làm lây nhiễm nấm sang vú mẹ. Sự nhiễm nấm qua lại giữa vú mẹ và miệng của bé làm cho bệnh khó chữa và tái phát nhiều lần. Khi vú mẹ bị nhiễm nấm có các triệu chứng sau đây: da đầu vú bất thường màu đỏ, nhạy cảm, ngứa núm vú. Có bông hoặc da tuyết bong ra ở quầng vú. Núm vú đau bất thường khi cho con bú, đau lan sâu bên trong vú.

Nấm miệng có thể được chẩn đoán đơn giản bằng cách nhìn vào các tổn thương, hoặc soi bệnh phẩm dưới kính hiển vi phát hiện được sợi nấm.

Nếu nấm có trong thực quản, ngoáy phía sau cổ họng nuôi cấy thấy nấm. Nội soi có thể thấy sợi nấm trong thực quản, ruột...

Nấm miệng có thể gây ra các biến chứng như sau: bệnh nấm trở thành nặng trong miệng và thực quản, gây đau đớn và khó khăn khi ăn. Nếu nhiễm nấm lan xuống ruột, nó sẽ gây rối loạn quá trình hấp thu chất dinh dưỡng. Nấm có nhiều khả năng lan truyền đến các bộ phận khác của cơ thể nếu bệnh nhân bị ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.

Phương pháp điều trị

Nếu trẻ sơ sinh hay trẻ còn bú bị nhiễm nấm thì cần điều trị cả cho bé và cho mẹ để tránh lây nhiễm qua lại giữa mẹ và con qua núm vú. Đối với người lớn và trẻ em lớn, có thể ăn sữa chua không đường hoặc uống thuốc acidophilus để giảm nhiễm nấm. Tuy sữa chua và acidophilus không tiêu diệt các loại nấm, nhưng có thể giúp khôi phục lại các vi khuẩn bình thường trong miệng để kìm hãm sự lây nhiễm của nấm. Bệnh nhân cần dùng các loại thuốc kháng nấm theo đơn của bác sĩ.

Nấm miệng có thể phòng tránh được 2
 Tiêu bản tổn thương nấm ở niêm mạc miệng.

Hãy lắng nghe thầy thuốc

Nhiễm nấm là một bệnh khó chữa, gây nhiều tổn hại cho sức khỏe của người bệnh, nhưng có thể phòng tránh được bằng các việc làm thiết thực và hiệu quả sau đây: giữ vệ sinh răng miệng, chải răng 2 - 3 lần một ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và sau các bữa ăn. Đồng thời dùng chỉ nha khoa sau khi chải răng để loại bỏ cặn thức ăn ở khe giữa 2 răng. Hạn chế dùng nước súc miệng diệt khuẩn vì có thể làm thay đổi vi khuẩn chí trong miệng họng, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Nhưng có thể súc miệng bằng nước muối ấm, bằng cách pha 1/2 muỗng cà phê muối trong 1 ly (trên 200ml) nước ấm.

Nếu đang dùng thuốc corticosteroid, cần súc miệng bằng nước sạch hoặc đánh răng sau khi uống thuốc. Thường xuyên ăn sữa chua tươi có chứa Lactobacillus acidophilus hoặc Bifidobacterium sau khi dùng thuốc kháng sinh để lập lại cân bằng vi khuẩn có lợi trong miệng, kìm hãm nấm phát triển. Ở phụ nữ nếu bị nhiễm nấm âm đạo trong thời kỳ mang thai cần điều trị tích cực để tránh lây nhiễm cho con trong cuộc đẻ. Hạn chế ăn ngọt vì đường có thể làm cho nấm Candida phát triển mạnh. Người đeo răng giả, cần rửa sạch răng ngày 1 - 2 lần, nên tháo răng ra làm sạch trước khi đi ngủ.

BS. Trần Thanh Tâm


Ý kiến của bạn