Hà Nội

Nấm linh chi giải nhiệt, lợi phế

SKĐS - Nấm linh chi có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nâng đỡ và kiến tạo hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Theo Thần Nông Bản Thảo có 6 loại linh chi: linh chi đỏ, linh chi xanh, linh chi vàng, linh chi trắng, linh chi đen, linh chi tím. Trong 6 loại kể trên thì nấm linh chi đỏ được chứng minh là tốt cho sức khỏe hơn cả.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, nấm linh chi có tác dụng ổn định huyết áp, tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, hỗ trợ thần kinh, chống đau đầu và tứ chi, điều hòa kinh nguyệt, chống dị ứng, kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư, thúc đẩy hệ tiêu hóa, chống bệnh béo phì, phòng chữa bệnh tiểu đường, bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ...

Theo Đông y, nấm linh chi vị đắng tính hàn, lợi về kinh tâm, phế, can, thận, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, ngày dùng 6-12g. Có thể dùng linh chi dưới dạng bột nghiền mịn pha với nước uống hoặc cho linh chi thái lát mỏng vào phích nước nóng, để một giờ, sau đó uống dần trong ngày. Nấm linh chi lấy nước nấu các loại canh thịt hoặc súp dùng làm thức ăn bồi bổ cho người mới ốm dậy và người già yếu. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số cách dùng nấm linh chi phổ biến nhất để bạn đọc tham khảo:

Nấm linh chi uống thay trà hàng ngày

Nấm linh chi 30g, thái lát, cho vào ấm đun cùng với 500ml nước, đun khoảng 3 phút rồi tắt lửa. Để ngâm như vậy trong vòng 5-10 phút rồi đun nhỏ lửa liu riu khoảng 30 phút, còn 300ml. Chắt nước ra. Dùng kéo cắt nhỏ lát linh chi, thêm nước, đun tiếp lấy nước 2 và nước 3: Hòa lẫn 3 nước với nhau và bảo quản trong tủ lạnh. Chia uống trong ngày, uống lúc đói bụng, có thể thêm mật ong, đường phèn cho dễ uống. Công dụng giải nhiệt cho cơ thể, nâng cao thể lực, bồi bổ sức khỏe. Bã linh chi phơi khô đun lấy nước dùng để tắm, rất tốt cho da và tóc.

Nấm linh chi giải nhiệt, lợi phếNấm linh chi có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Nấm linh chi nghiền thành bột

Linh chi tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3g chiêu với nước ấm. Hoặc cho vào tách hãm bằng nước thật sôi trong 5 phút sau đó uống hết cả bã. Tuy hơi khó uống, vì dược liệu không tan trong nước nhưng đây là cách dùng tốt nhất theo khuyến cáo của các nhà nghiên cứu có công dụng trị chứng mất ngủ, hồi hộp, trị chứng phế hư, hen suyễn, tốt cho người bị viêm gan, suy nhược cơ thể.

Lưu ý khi sử dụng linh chi tán bột cần uống nhiều nước, không sử dụng trong thời gian dài liên tục.

Nấm linh chi có thể phối hợp với các thảo dược khác như nhân sâm, hồng táo, tam thất, ngân nhĩ, cam thảo làm thức uống bổ dưỡng trong phòng và chữa bệnh

Nấm linh chi giải nhiệt, lợi phếNấm linh chi thái lát đun uống có công dụng giải nhiệt cho cơ thể, nâng cao thể lực.

Bài 1: Linh chi 10g và nhân sâm 5g, tán bột mịn trộn đều, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3g, chiêu với nước ấm. Công dụng trị suy nhược thần kinh, huyết áp thấp, bổ não, ích trí, nhuận phế; Người bị tăng huyết áp không nên dùng.

Bài 2: Linh chi 9g, tam thất 6g. Sắc uống. Công dụng bổ huyết, dưỡng tâm, an thần, người huyết áp cao, xơ vỡ động mạch.

Bài 3: Linh chi 9g, lá vông 12g, lá sen 12g, lá vông 12g, cúc hoa 10g. Các vị thuốc hãm với nước sôi hoặc sắc uống trong ngày. Công dụng trị mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Bài 4: Linh chi, ngân nhĩ, lượng bằng nhau, tán nhỏ, ngày dùng 10g, hãm với nước sôi 30 phút là dùng được. Công dụng: tư âm, nhuận phế, trừ đờm, dùng cho người bị viêm phế quản, suy nhược cơ thể.

Bài 5: Linh chi 6g, hồng táo 4g, cam thảo 2g. Các vị thuốc hãm với nước sôi uống như trà. Công dụng trị rối loạn giấc ngủ, làm đẹp da, mát gan.

Bài 6: Linh chi 10g, bách hợp 10g, trần bì 8g. Sắc uống trong ngày. Công dụng: trị viêm khí phế quản, hen suyễn, ho gà.

Bài 7: Linh chi 10g, tang thầm 10g, long nhãn 10g. Sắc uống trong ngày. Công dụng: trị ăn uống kém, mất ngủ, suy nhược thần kinh.

Lưu ý: Linh chi là thuốc bổ, nhưng khi dùng linh chi, nếu thấy khó tiêu, chóng mặt, hay ngứa ngoài da nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.


ThS. Nguyễn Ngọc Lan
Ý kiến của bạn