Delta là mối đe dọa lớn toàn cầu
Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm 2020, đã góp phần gây ra cơn khủng hoảng về số lượng trường hợp nhiễm COVID-19 trong làn sóng thứ hai của quốc gia này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 14 tháng 6, nó đã lây lan sang 74 quốc gia trên toàn thế giới.
Delta đã xuất hiện ở 74 quốc gia.
Giám đốc của WHO khu vực châu Âu đã cảnh báo rằng, Delta sẽ là mối đe dọa lớn trong khu vực khi nhiều quốc gia chuẩn bị nới lỏng các lệnh hạn chế và việc đi lại xuyên biên giới. Tính đến nay, biến thể Delta chiếm 10% các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Mỹ.
Nghiên cứu cho thấy hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, vắc xin Pfizer-BioNTech cung cấp khả năng bảo vệ 79% chống lại sự lây nhiễm với biến thể Delta, so với 92% bảo vệ chống lại biến thể Alpha.
Khả năng lây truyền cao hơn
Tại Anh, kể từ khi các trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 2, nó đã nhanh chóng vượt qua biến thể Alpha (B.1.1.7) và có khả năng lây truyền cao hơn 43 đến 90% so với các biến thể đã có trước đó của SARS-CoV-2. Theo ước tính của Chính phủ Anh, Delta hiện chiếm hơn 91% các trường hợp COVID-19 của nước này và có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 40% so với biến thể Alpha. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đã tính toán rằng nó có thể lây truyền nhiều hơn Alpha từ 30-100%. Các nhà khoa học hiện đang điều tra nguyên nhân cho khả năng lây truyền tăng cường rõ ràng này.
Delta có khả năng lây truyền cao hơn 40% so với biến thể Alpha.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi nhỏ trong protein đột biến của các biến thể có thể tăng cường khả năng liên kết với thụ thể ACE2 mà nó sử dụng để xâm nhập vào tế bào người. Một nghiên cứu khác, đã gợi ý rằng một đột biến riêng biệt trong biến thể Delta có thể tăng cường khả năng dung hợp với các tế bào của con người khi nó bám vào. Nếu virus có thể bám vào và dung hợp dễ dàng hơn, nó có thể lây nhiễm sang nhiều tế bào của chúng ta hơn, điều này có thể dễ dàng áp đảo hệ thống phòng thủ miễn dịch của chúng ta.
Gây ra các triệu chứng chuyển biến xấu nhanh chóng
Delta cũng đang nhanh chóng lan rộng ở Đông Nam Trung Quốc. Tại đây, các bác sĩ thông báo rằng các bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng và tình trạng của họ xấu đi nhanh chóng hơn so với những bệnh nhân mà họ đã điều trị khi bắt đầu đại dịch.
Tại Anh, dữ liệu từ nghiên cứu triệu chứng Zoe COVID, nơi những người tham gia theo dõi các triệu chứng hàng ngày của họ thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, cũng cho thấy rằng các triệu chứng liên quan đến COVID-19 có thể đang thay đổi do sự gia tăng của biến thể mới.
Kể từ đầu tháng 5, triệu chứng số một được những người dùng ứng dụng báo cáo khi bị nhiễm trùng đã được xác nhận là đau đầu, sau đó là đau họng, chảy nước mũi và sốt. Giáo sư Tim Spector, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết: “Ho hiếm hơn và chúng tôi thậm chí không thấy mất khứu giác xuất hiện trong top 10 nữa. Rủi ro là những người trẻ tuổi - những người vốn đã ít có khả năng phát triển bệnh nặng - có thể dễ nhầm các triệu chứng như vậy với cảm lạnh và không tự cô lập, điều này càng làm tăng khả năng lây lan của Delta”.
Delta khiến bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng và chuyển biến xấu.
Nguy cơ nhập viện cao gấp đôi biến thể Alpha
Hầu hết các dữ liệu khoa học đã được công bố về biến thể Delta cho đến nay, đều đến từ Vương quốc Anh, nơi các nhà nghiên cứu đang sử dụng một phương pháp nhanh gọi là "thử nghiệm xét nghiệm kiểu gen" để tìm ra liệu một mẫu COVID-19 dương tính có chứa một biến thể đáng lo ngại chẳng hạn như Delta hay không.
Theo một nghiên cứu của Scotland được công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 14 tháng 6, biến thể Delta có liên quan đến nguy cơ nhập viện gần gấp đôi so với biến thể Alpha. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 19.543 trường hợp nhập viện trong cộng đồng do COVID-19 và 377 trường hợp nhập viện được báo cáo ở Scotland từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 6 tháng 6 năm 2021. Những người mắc các bệnh lý tiềm ẩn có nguy cơ nhập viện cao hơn.
Một liều vắc xin ít hiệu quả nhưng 2 liều có hiệu qủa bảo vệ mạnh mẽ hơn
Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng những người đã được chủng ngừa COVID-19 ít có khả năng phải nhập viện với biến thể Delta hơn so với những người không được chủng ngừa - nhưng tác dụng bảo vệ mạnh mẽ không được thấy cho đến ít nhất 28 ngày sau liều vắc xin đầu tiên.
2 liều vắc xin có hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, vắc xin Pfizer-BioNTech dường như cung cấp khả năng bảo vệ 79% chống lại sự lây nhiễm với biến thể Delta, so với 92% bảo vệ chống lại biến thể Alpha.