Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh, dự kiến tăng khoảng 70.000 người so với năm học 2023 - 2024. Cụ thể, số học sinh vào lớp 1 dự kiến tăng 7.000, tổng hơn 162.000 em; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000, tổng 246.000 học sinh; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 (so với năm ngoái).
Năm học trước, học sinh lớp 1 tăng 11.600 em; học sinh lớp 6 tăng hơn 36.000 em, học sinh lớp 10 tăng 1.000 em. Như vậy, năm nay học sinh lớp 6 và lớp 10 tăng mạnh hơn năm trước.
TP. Hà Nội có tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh; tương ứng phải xây 30 - 40 trường mới có thể đáp ứng đủ chỗ học. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã xây mới 36 trường học các cấp, đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.
Để chuẩn bị tốt công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, trường học trên địa bàn TP cần khẩn trương rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến.
Các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài cần tổ chức tuyển sinh thuận lợi, minh bạch, chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ. Sở sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu với đơn vị vi phạm.
Với công tác xác nhận nhập học vào lớp 10 THPT công lập và đăng ký dự tuyển vào các trường THPT tư thục năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT quán triệt sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giúp công tác quản lý được minh bạch, khoa học và ổn định.
Năm 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã tăng cường tham mưu chính quyền địa phương đầu tư nguồn lực, kinh phí để xây dựng mới các trường học và nâng chuẩn quốc gia, công nhận lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng đã quá hạn. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tham mưu lãnh đạo thành phố rà soát, xác định quỹ đất, ưu tiên quỹ đất còn trống chưa khai thác để xây dựng trường học và tăng cường xây dựng trường học ở khu vực đông dân cư.
Nhiều năm nay, việc xây dựng trường học, trong đó có trường học đạt chuẩn quốc gia được cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở ở Hà Nội tập trung nguồn lực để triển khai. Tính trong giai đoạn từ năm học 2013-2014 đến năm học 2022-2023, số lượng trường học công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng, trong đó, cấp trung học phổ thông có tỷ lệ trường đạt chuẩn tăng nhiều nhất.
Cụ thể, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 63,03% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tăng 34,99% so với năm học 2013-2014 (tỷ lệ này được tính sau khi đã trừ đi các trường quá chu kỳ 5 năm được công nhận đạt chuẩn).
Tiếp đến là cấp mầm non với tỷ lệ tăng 27,04%; cấp trung học cơ sở có tỷ lệ trường chuẩn tăng 24,85%; tăng chậm nhất là cấp tiểu học với 18,51%. Hiện nay, toàn thành phố có gần 2.300 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập, trong đó nhiều nhất là trường mầm non - 802 trường.